|
Hỗ trợ đồng bào A Lưới bò giống để thoát nghèo
|
Bắt đầu từ năm 2015, cách tính hộ nghèo đơn chiều dựa trên thu nhập thuần tuý sẽ dần được chuyển sang phương pháp tính đa chiều. Ở khu vực nông thôn, mức thu nhập của chuẩn nghèo mới là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở nông thôn là 1 triệu đồng và cận nghèo ở thành thị là 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, chuẩn nghèo không chỉ dựa theo thu nhập mà sẽ xem xét dựa trên 5 chiều, gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.
Theo khảo sát sơ bộ, nếu áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo ở Thừa Thiên Huế sẽ tăng từ 2,5 đến 2,7 lần so với năm 2015, nghĩa là tăng từ 4,5 % lên trên 13%. Riêng đối với 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bởi lẽ, họ có khả năng thiếu hụt về giáo dục khi con cái không được đến trường. Khả năng thiếu hụt về y tế vì những hộ nghèo trước đây được cấp thẻ BHYT bằng ngân sách sẽ không được tính. Nước sạch, nhà vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin… là thiếu hụt phổ biến đối với đồng bào dân tộc. Theo cách tính này, một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên. Nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 đến 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản sẽ là hộ nghèo đa chiều. Một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5 đến 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản.
|
Học sinh được đến trường là một trong những tiêu chí thoát nghèo
|
Nhà chị Hồ Thị Mai ở thôn A Ngo (A Lưới) là một trong những hộ nghèo theo phương pháp tính đa chiều. Chị mới thoát nghèo được hai năm nay khi có mô hình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, gia đình chị lại không đáp ứng được các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt những dịch vụ xã hội cơ bản, như bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở… nên trở thành hộ nghèo đa chiều. Thực tế đo lường cho thấy, có những hộ nhìn bề ngoài có vẻ khá giả nhưng nếu đo lường 5 dịch vụ cơ bản, thì lại rơi vào hộ nghèo, hoặc có hộ dù nuôi tới 3 con học đại học, con cái tham gia bảo hiểm y tế... rõ ràng đạt chỉ tiêu giáo dục nhưng lại vẫn nghèo về thu nhập.
Ở các vùng ven biển, người dân làm nghề đánh bắt, buôn bán… có cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, họ lại không quan tâm đến chuyện học của con, khi nào đau thì đi bệnh viện chứ không mua thẻ bảo hiểm y tế. Nhà ở thì rất nhỏ dẫu có người có tiền gởi ngân hàng. Dựa vào tài sản đang có và mức độ thiếu hụt theo phương pháp tiếp cận 5 chiều, sẽ có nhiều gia đình trở thành hộ nghèo. Gia đình ông Trần Văn Thành (Phú Vang) trước kia không thuộc diện hộ nghèo nhưng sau khi điều tra, gia đình ông trở thành hộ cận nghèo. Ông Thành cho biết: “Chiếu theo tiêu chí thu nhập thì chúng tôi vẫn vượt qua ngưỡng hộ nghèo. Tuy nhiên, theo quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều, gia đình tôi lại thuộc diện hộ nghèo vì nhà ở không bảo đảm, vợ chồng lại không có bảo hiểm y tế, tiêu chí nhà vệ sinh không đạt…”.
Tiêu chí mới đã thực chất hơn. “Quá trình điều tra dễ dàng hơn trước bởi ngoài thu nhập, có những tiêu chí cụ thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm, nhà ở hợp vệ sinh… Trước phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, nhiều địa phương cho rằng nghèo đa chiều được đo lường sẽ cho thấy sự thiếu hụt chung của từng cộng đồng, khu vực, theo đó các nhà hoạch định chính sách có thể thiết lập thứ tự ưu tiên trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp.
Phương pháp điều tra này đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Đồng thời, phân loại đối tượng hộ nghèo và nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.