Đọc kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2019 của UBND tỉnh, ấn tượng đầu tiên của người viết bài này là một cảm giác thích thú. Nó rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Nó không còn là một “văn bản hành chính” mà là một “triết lý”, xác định rõ ràng phương pháp làm việc. Xin được trích nguyên văn một đoạn – đoạn nói về phương pháp: “… Hoạt động xúc tiến đầu tư, muốn thành công, cần đi theo xu hướng maketing – chào bán sản phẩm. Muốn bán sản phẩm thành công cần xây dựng sản phẩm xúc tiến tốt. Do đó, cần định nghĩa, xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể về một sản phẩm xúc tiến đầu tư tốt và phát triển chiến lược chào bán sản phẩm đó. Sản phẩm xúc tiến đầu tư chính là các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể, với các tiêu chí cụ thể, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh và đảm bảo các nền tảng cơ bản để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, loại ngay từ đầu những nhà đầu tư hạn chế về uy tín, năng lực”.
Thế là đã rõ. Rõ ràng, rành mạch, quyết liệt…
Cảm giác thứ hai đó là sự quyết liệt trong thay đổi phương thức hoạt động. Gọi là “đổi mới tư duy” trong xúc tiến đầu tư có lẽ cũng không quá. Nếu không quyết liệt, không thay đổi tư duy thì có lẽ không có những “đoạn văn như nói” được:“Đảm bảo các nền tảng cơ bản để chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, loại ngay từ đầu những nhà đầu tư hạn chế về uy tín, năng lực”.
Một lời “dọa dẫm” chăng?
Không phải. Chúng tôi rất cần và mời gọi các nhà đầu tư mang tiền, con người, khoa học, công nghệ, nền quản trị tiên tiến và cả một quyết tâm làm ăn tại mảnh đất lắm mưa nhiều nắng này… đến với chúng tôi. Nhà đầu tư có đầy đủ những điều kiện như vậy thì chúng tôi “trải thảm đỏ”. Bằng không thì dù có cần chúng tôi cũng “không chịu”.
Chúng ta thấy Thừa Thiên Huế bắt đầu có thế và lực. Mối quan hệ giữa tỉnh với nhà đầu tư, về nguyên lý là quan hệ “bất cân”. Mà làm sao “cân” được khi một bên là người “cần” và một bên là người có cái để “cho”. Điều đáng nói là trong nhiều người “cho”, thì có những người không có cái gì để mà cho, mà làm như mình có! Nói trắng ra là những người lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để làm ăn chụp giật, chạy mánh, môi giới, buôn bán dự án… Tức là động cơ không tốt. Thực tế này trên đất nước chúng ta và cả ở Thừa Thiên Huế, cũng không hiếm khi vấp phải điều này. Giờ đây, điều kiện đã khác, thế đứng đã khác, tư duy cách làm đã khác… từ quan hệ “bất cân” chuyển thành quan hệ cân bằng. Tôi và anh cùng làm việc, cùng hưởng lợi. Nói bay bổng một tí là “hai chúng ta đi trên một con đường, cùng hưởng niềm vui, sống với nhau chân tình cởi mở nhưng phải có phương pháp, có tính khoa học, đặt mục tiêu hiệu quả làm đầu…”.
Nhưng làm sao Thừa Thiên Huế, TP. Huế chúng ta có được quan hệ cân bằng?
Theo tôi, có mấy nguồn cơn sau:
Chúng ta đã trải qua một quá trình dài kêu gọi thu hút đầu tư và đã không ít lần “vấp váp”. Những kinh nghiệm quý báu trong thu hút đầu tư hiệu quả đã được rút ra. Chúng ta trở nên trưởng thành trong công tác này.
Nền kinh tế của chúng ta có những bước phát triển nhất định, tạo nên một nền tảng ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế, trong đó có công tác thu hút đầu tư. Nền tảng tôi muốn nói tới ở đây là cả hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và nguồn lực con người.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, dù có dồi dào đến đâu, đặc biệt là nguồn lực đất đai cũng ngày càng cạn dần. Nó không phải là thứ vô tận. Cho nên buộc chúng ta phải sử dụng một cách thận trọng, nâng cao hiệu quả sử dụng ở mức cao nhất. Bắt nguồn lực ấy phải tạo ra giá trị gia tăng cao nhất… Những nguồn lực hạn chế này không thể trao cho những người làm ăn “luộm thuộm” kém bài bản, chụp giật, mánh mung…
Và điều cuối cùng, có lẽ thời đại đã thay đổi, thời thế đã thay đổi, chúng ta có một thế hệ tiếp cận với nền kinh tế 4.0 có khát vọng vươn lên mãnh liệt. Cứ nhìn thành phố Huế trong khoảng chục năm nay mà xem: Người người khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ăn buôn bán… trong đó phần lớn là thế hệ trẻ. Mà trẻ là vậy, đầy hoài bão, khát khao, khát vọng.
LÊ PHƯƠNG