ClockThứ Hai, 26/03/2018 15:38

Chuyện về chiến sĩ đặc công Mai Xuân Bảo

TTH - 55 tuổi Đảng, 76 tuổi đời và dù không còn khỏe mạnh, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mai Xuân Bảo vẫn nhớ rất rõ những trận đánh cùng những đồng chí, đồng đội của mình.

Dấu son lịch sử

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê cách mạng tại làng Định Môn, xã Hương Thọ (Hương Trà), 16 tuổi, Mai Xuân Bảo đã sớm giác ngộ cách mạng; nhiệt tình, hăng say các hoạt động tại địa phương.  Năm 1960, chuyển sang hoạt động tại nội thành Huế, nhiệm vụ của ông Bảo lúc đó chủ yếu là xây dựng cơ sở trong phong trào học sinh, sinh viên để hoạt động cách mạng.

Ông Mai Xuân Bảo (bên phải) kể về những ngày tháng đấu tranh oanh liệt của mình

Ngày 2/9/1962,  ông Bảo được cấp trên bổ sung vào lực lượng bộ đội đặc công thuộc lực lượng vũ trang TP. Huế. Nhiệm vụ của đơn vị chủ yếu theo bảo vệ các đồng chí Thành ủy Huế đi xây dựng cơ sở; tổ chức lực lượng quần chúng; tăng gia sản xuất, tự lực tự cường.

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, chủ trương của Quân khu Trị Thiên và Thành ủy Huế là phải xây dựng bằng được một đại đội đặc công của TP. Huế. Nhiệm vụ của chiến sĩ đặc công Mai Xuân Bảo lúc đó là cùng các đồng chí, đồng đội tuyển chọn chiến sĩ là những người gan dạ, dũng cảm, đã kinh qua chiến trường để huấn luyện, tham gia vào lực lượng đặc công.

Sau khi việc tuyển chọn hoàn tất, ông Mai Xuân Bảo cùng 20 đặc công khác tổ chức đánh trận đầu tại đồi Gà Lôi, thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. “Mục đích chọn đánh ở mục tiêu Gà Lôi là vì cơ quan Thành ủy đóng ở núi Kim Phụng, các đồng chí trong Thành ủy khi về thành phố buộc phải đi qua địa bàn Hải Cát. Hơn nữa, địch muốn án ngự Gà Lôi vì đây là địa điểm quân sự lợi hại", ông Bảo nhớ lại.

Ông Mai Xuân Bảo tiếp chuyện: “Với quyết tâm cao, một đêm tháng 11 (AL) năm 1965, chúng tôi xuất phát từ Khe Đầy (Hương Thọ) ra tới núi Kim Phụng ém quân. Vì tính chất quan trọng, phải gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được chân đồi Gà Lôi. 11 giờ đêm, chúng tôi bắt đầu nổ súng. Chỉ 15 phút sau, chúng tôi đã tiêu diệt gọn 1 đại đội nghĩa quân ngụy với khoảng 100 tên đóng tại đồi Gà Lôi”.

Thành ủy Huế đánh giá cao đại đội đặc công TP. Huế, nên xin Bộ Tư lệnh đặc công tăng thêm một đại đội đặc công nữa được biên chế từ ngoài Bắc vào để bổ sung vào Đại đội đặc công TP. Huế. Ông Mai Xuân Bảo nhớ như in: “Đầu năm 1966, trận đánh địch ở trại huấn luyện biệt kích Long Thọ làm tôi nhớ nhất. Chúng tôi chọn việc ém quân tại làng Ngọc Hồ - làng Công giáo toàn tòng của xã Hương Hồ (Hương Trà). Nhờ dân vận tốt, được dân tin yêu, đùm bọc, nên nằm lại trong làng cả buổi chiều đợi trời tối mới đánh”.

Đêm đến, ông Bảo cùng các chiến sĩ đặc công dùng phao ni lông lặng lẽ, bí mật vượt sông Hương qua đồi Vọng Cảnh, men theo bờ bụi, mãi đến 12 giờ khuya mới tiếp cận được mục tiêu. Trận này diệt gọn quân địch, nhưng một chiến sĩ của đại đội đặc công bị tử vong do một quả thủ pháo đeo bên người vướng vào hàng rào dây thép gai gây nổ.

“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng để lại trong tôi và đồng chí, đồng đội nhiều kỷ niệm khó quên. Đại đội đặc công của chúng tôi được phân công đánh vào trại Phan Sào Nam - nơi đóng quân của tiểu khu Trị Thiên ngụy. Để đánh mục tiêu, ngày 27, 28 Tết, chúng tôi đã bắt đầu di chuyển và mãi đến 15 giờ chiều 29 Tết mới bắt đầu hành quân từ Trường Hà lên Huế. 11 giờ tối 29 Tết, chúng tôi mới đến được cầu số 7 (đường Tố Hữu). Lợi dụng hệ thống thông hào, chúng tôi ém quân tại đây. Lúc này, tôi được giữ chức vụ là Chính trị viên phó Đại đội 2 đặc công. Theo kế hoạch, khi chúng tôi đánh xong trại Phan Sào Nam sẽ có đơn vị bộ binh K10 của Đoàn 5 vào hỗ trợ, chiếm giữ. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển từ Phú Vang lên, K10 gặp 2 đại đội Hắc báo của ngụy, nên đã đánh tiêu diệt luôn, không lên hỗ trợ chúng tôi kịp.Trước tình thế đó, khi đánh xong, chúng tôi buộc phải rút về phòng ngự dọc đường Đội Cung mất một ngày. Địch đặt súng đại liên ở trên khách sạn Thuận Hóa bắn liên tục dọc tuyến đường Trần Cao Vân, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thái Học… nên chúng tôi khó khăn trong việc rút quân về chốt của mình tại khu vực Phú Xuân. Mãi khi đêm xuống, người dân mới đục tường, phá dỡ hàng rào dẫn chúng tôi đi băng, tránh làn đạn ác liệt của địch", ông Bảo kể.

Năm 1972, ông Mai Xuân Bảo bị lộ, bị địch bắn bị thương, rồi bị tra tấn và đày ra tù ở Côn Đảo. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được trao trả. Tháng 1 đến tháng 3/1975, khi phong trào cách mạng lan rộng, với cương vị là Bí thư Quận ủy Quận 3 Huế (bao gồm Thủy Xuân, Phú Nhuận, An Cựu, Phú Hội, Xuân Phú, Vỹ Dạ...), ông Mai Xuân Bảo giữ vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, xây dựng, củng cố chính quyền, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế...

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chia sẻ nỗi đau mất người thân của chiến sĩ

Ngày 30/4, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh do Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng dẫn đầu đã đến chia buồn, thắp hương viếng mẹ của Binh nhì Hà Văn Mạnh, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh.

Chia sẻ nỗi đau mất người thân của chiến sĩ
Kiên cường chiến sĩ Trường Sa

Nơi đầu sóng, có biết bao chiến sĩ hải quân đang hi sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường cầm chắc tay súng, để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc.

Kiên cường chiến sĩ Trường Sa
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top