Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động
Việc chờ người
Sàn giao dịch việc làm đầu năm diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ngày 20/2 có sự tham gia của 39 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ hội việc làm khá nhiều với hơn 2.900 vị trí việc làm, từ lao động phổ thông đến cơ hội làm quản lý tại các doanh nghiệp. Ngành nghề tuyển dụng khá đa dạng, như: kỹ thuật viên, công nhân, nhân viên kinh doanh, kế toán, bán hàng, bếp…
Về xuất khẩu lao động (XKLĐ), các doanh nghiệp tuyển lao động sang làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan với các ngành nghề: công nhân, hộ lý, giúp việc gia đình, thực tập sinh...
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, phiên giao dịch việc làm đầu năm đã giới thiệu được cho nhiều người đi XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Trần Thế Nghiệm, một sinh viên vừa ra trường chọn đi XKLĐ cho hay: “Em muốn tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài, cụ thể là ở Nhật Bản ngay khi vừa ra trường. Không chỉ nâng cao thu nhập, đây còn là cơ hội để em được mở mang tầm nhìn, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm làm việc ở một đất nước phát triển”.
Người lao động đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm
Trái với không khí khá sôi động của thị trường XKLĐ, tại sàn giao dịch việc làm, không có nhiều lao động đăng ký phỏng vấn các vị trí việc làm của các doanh nghiệp trong tỉnh. Công ty CP Hello quốc tế Việt Nam tuyển dụng gần 700 lao động, từ vị trí trợ lý tổng giám đốc, giám đốc xưởng may, trưởng phòng kỹ thuật đến công nhân may… Tuy vậy, rất ít lao động đến đăng ký tại sàn giao dịch việc làm.
Bà Ngô Thị Phương, bộ phận Hành chính – nhân sự công ty này cho hay, việc tuyển dụng của công ty khá khó khăn do số lượng lao động ít, nhất là thị trường lao động trong ngành dệt may không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các nhà máy.
Chất lượng lao động chưa cao
Theo kết quả điều tra cung – cầu lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cuối năm 2018, có 902 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trên 14 ngàn lao động. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo, chế biến (trong đó có doanh nghiệp dệt may, may xuất khẩu…) có số lượng tuyển dụng trên 9.700 lao động, chiếm gần 68%. Đây là cơ hội để lao động Thừa Thiên Huế tìm kiếm việc làm phù hợp.
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay: “Với hơn 14 ngàn vị trí việc làm ở trong nước, nhiều vị trí việc làm ở ngoài nước, nhất là các nghiệp đoàn của Nhật rất muốn tuyển lao động ở Thừa Thiên Huế sang làm việc với nhiều đơn hàng có thu nhập cao, đây là cơ hội việc làm cho người lao động trong năm 2019 và những năm tiếp theo”.
Dù lực lượng lao động của tỉnh tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng, tập trung chủ yếu ở nông thôn. Chất lượng lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Nguồn cung lao động luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu... Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động không tìm được việc làm phù hợp.
Tốt nghiệp ngành kế toán năm 2017 nhưng Hồ Thị Hồng, một lao động ở TP. Huế không xin được việc làm đúng chuyên môn. Với công việc của một nhân viên thị trường, thu nhập không ổn định, các chế độ bảo hiểm không có nên Hồng luôn muốn nhảy việc. Hồng buồn bã: “Các doanh nghiệp tuyển dụng kế toán đều yêu cầu kinh nghiệm, trong khi em dù tốt nghiệp 2 năm rồi nhưng chưa được làm đúng chuyên môn, lấy đâu ra kinh nghiệm. Tham gia sàn giao dịch việc làm hôm nay, em cũng không kỳ vọng sẽ tìm được công việc phù hợp”.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trung tâm đã nỗ lực trong việc kết nối, tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia sàn việc làm, cũng như làm cầu nối cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận người lao động và người lao động nắm bắt thông tin về việc làm. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của người lao động, nắm bắt cơ hội và chuẩn bị thật tốt về chuyên môn, tay nghề, tâm lý, tác phong... để chọn cho mình việc làm phù hợp.
Theo kế hoạch, năm nay, ngoài các phiên giao dịch việc làm định kỳ, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ phối hợp tổ chức 2 ngày hội việc làm, 9 phiên giao dịch việc làm tại các trường cao đẳng, đại học, 2 phiên giao dịch việc làm tại các khu công nghiệp, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, các phiên giao dịch việc làm chuyên đề về XKLĐ để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Bài, ảnh: Minh Hiền