ClockThứ Bảy, 02/11/2019 12:55

Có nên thêm một cuộc vận động

TTH - Không biết các nước thì thế nào chứ nước mình, tôi thấy có rất nhiều cuộc vận động, hình thức vận động. Việc gì cũng vận động nhưng thực tế, nhiều lĩnh vực tình hình chuyển biến rất chậm, thậm chí là đi ngược lại. Ví dụ thế này. Anh vận động người dân hạn chế sử dụng rượu bia, nhưng các hãng bia thì năm nào cũng nâng công suất. Bia Việt xuất khẩu được bao nhiêu? Có lẽ chủ yếu là phục vụ cho dân nước mình. Hai mục tiêu nâng công suất bia và vận động người dân hạn chế bia là đối lập nhau.

Xây dựng văn hóa công sở bằng những việc làm cụ thể

Xin được kể tên vài cuộc vận động – thành phố không khói thuốc; nói không với bia rượu; nói không với ma túy; nói không với túi ni lon; tuyến đường văn minh; khu phố văn hóa… và nhiều cái nói không khác. Nhưng thực tế thì sao? Có lẽ, nhìn vào đời sống, mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình.

Thực tế mà nói, những cuộc vận động như trên gắn liền với việc củng cố chức năng, nhiệm vụ, vai trò vị trí, chủ yếu là của hệ thống đoàn thể. Và thực tế nó ít nhiều có tác động tích cực đến việc làm chuyển biến theo hướng tốt hơn lên của xã hội. Tuy nhiên, kết quả những cuộc vận động này mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Đã định tính thì mỗi người mỗi cách, khó mà đi đến sự thống nhất. Nhìn ở góc độ nào đó, những cuộc vận động như thế này tiêu tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc… và nó cũng thải ra môi trường một lượng rác thải đáng kể từ việc in ấn các loại khẩu hiệu.

Vấn đề là, tại sao quản lý, điều hành xã hội không bằng một công cụ hiệu quả hơn thay vì vận động. Nếu đã có công cụ quản lý hiệu quả rồi, như hệ thống pháp luật, những quy ước cộng đồng… thì có nhất thiết phải vận động mang tính chất định tính hay không?

Mới đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt Đề án phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Người viết bài này có mấy điều mạnh dạn muốn trao đổi như sau: Thường một cuộc vận động, đặc biệt là những cuộc vận động quy mô lớn thường tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của. Nó có bắt đầu (phát động), triển khai. Nó có kết thúc (sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, thậm chí là tổ chức những cuộc thi). Triển khai từ cấp trên xuống cấp dưới, từ ngành này đến ngành khác, đơn vị nọ.

Thế hồi giờ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ theo chuẩn mực nào? Chắc chắn là đã có chuẩn mực cho công chức, viên chức. Đó là Luật Công chức, viên chức. Đó là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các ngành. Đó là cả một hệ thống pháp luật bao trùm lên mọi hoạt động xã hội. Một đơn vị hành chính, sự nghiệp nào đó ra đời đều kèm theo chức năng, nhiệm vụ… Nói chung là không thiếu. Mỗi cơ quan đơn vị có người đứng đầu và bộ máy quản lý, rồi còn đặt dưới sự lãnh đạo của hệ thống tổ chức Đảng. Nó đã đủ rồi thì chúng ta thêm một cuộc vận động nữa để làm gì!?

Cuộc vận động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gói gọn trong 5 không – “không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối và không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.”

Đã là cán bộ, công chức, viên chức mà Bác Hồ chúng ta đã nói là “công bộc của dân” thì dứt khoát không nên, không được làm những điều nói trên. Ai vi phạm là ngay lập tức có hệ thống pháp luật và đạo đức trừng trị, việc gì cần phải “dạy dỗ nhau” anh không được làm, không nên làm điều này điều khác. Mà nói thật, có những điều người dân nhận biết được nhưng có những điều rất khó nhận biết. Ví dụ như hành vi cửa quyền, hách dịch thì người dân có thể nhận biết được qua hành vi, chứ tham nhũng, chạy chọt… thì làm sao người dân nhận biết. Mà họ đã tham nhũng, chạy chọt, lợi ích nhóm thì họ đã khéo léo che đậy chứ họ có khai ra đâu. Tỷ như, có một hiện tượng là nhiều quan chức giàu lên đột biến, người dân biết có thể là từ tham nhũng, bòn rút mà có… nhưng làm sao người dân chứng minh được. Bởi vậy lâu lâu mới có một vụ tham nhũng được phanh phui. Có thể tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng hơn những gì chúng ta phát hiện. Có những vụ tham nhũng làm “xiêu vẹo” cả một hệ thống quyền lực, tức là nó có phe có nhóm, có cả một hệ thống vận hành. Điều này chỉ trừng trị bằng pháp luật, bằng quyền lực của Đảng chứ không thể vận động chung chung được.

 LÊ PHƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính

Gặp mặt đoàn đại biểu được tôn vinh trong phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019-2024, sáng 4/9, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định thời gian qua, phong trào thi đua đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị; góp phần nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính
Return to top