Giám đốc HueIOC Nguyễn Dương Anh
Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Giám đốc HueIOC Nguyễn Dương Anh cho biết:
Với người dân Huế, kênh tương tác PAHT thông qua Hue-S không chỉ là nơi để họ phản ánh những bức xúc, nghi vấn của mình lên cơ quan chức năng thông qua HueIOC, mà còn là nơi để chính người dân bàn luận, trao đổi và đưa ra ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan hành chính các cấp, các ngành.
Ông có thể nói rõ hơn về phương thức tương tác của người dân đến kênh PAHT?
Khi nhận thấy những vấn đề bất cập, người dân, doanh nghiệp và du khách có thể gửi phản ánh về HueIOC kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay clip thông qua nhiều hình thức khác nhau. Cổng thông tin tương tác có địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn, trang Facebook đô thị thông minh/fanpage: HueIOC, zalo, thư điện tử, tổng đài…
Đáng chú ý, thông qua ứng dụng di động dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S) hỗ trợ cho cả phiên bản Android và IOS, HueIOC có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin, phân tích, phân loại chuyển đến các cơ quan chuyên môn liên quan xử lý.
Vậy quy trình xử lý được thực hiện như thế nào? Lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp là gì?
Quy trình xử lý được đảm bảo thực hiện và được giám sát tự động thông qua quy định của Chủ tịch UBND tỉnh. Toàn bộ công tác xử lý phản ánh đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh kịp thời nhận và xử lý thông tin người dân phản ánh
Dịch vụ PAHT tích hợp nhiều tính năng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, kể cả đơn vị xử lý phản ánh. Có thể kể đến đó là, hệ thống đã xây dựng bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh kiến nghị. Xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá được kết quả xử lý cũng như việc công khai, minh bạch. Hệ thống được xây dựng theo hướng mở, linh động và hình thành được phương thức quản lý mới.
Dịch vụ PAHT còn phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, khắc phục được những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức thực hiện theo mô hình cũ. Bên cạnh đó, PAHT còn giảm bớt khâu xử lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra cơ chế tự giám sát kết hợp với nghiệp vụ giám sát của HueIOC.
Đặc biệt, việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị chính xác, nhanh chóng với những vấn đề nóng đã và đang xảy ra, có những phản hồi tích cực từ người dân, đem lại hiệu quả cao, góp phần lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. PAHT là công cụ quan trọng góp phần thực hiện thành công “Ngày Chủ nhật xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động và đang trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Cùng với đó, trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, những tương tác trên kênh cảm biến này đã đạt những kết quả to lớn, giúp chính quyền các cấp vận hành, xử lý và phòng chống dịch hiệu quả.
Như vậy giải pháp PAHT đã góp phần làm thay đổi nhận thức người dân. Ông có thể nêu những điển hình cho thấy nhận thức của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực?
Có người dân phản ánh lên trung tâm yêu cầu kéo dài thời gian phát sáng hệ thống đèn điện công cộng. Ý kiến ban đầu của người dân là rất bức xúc với việc hệ thống chiếu sáng tắt quá sớm, gây khó khăn cho giao thông. Trung tâm đã ghi nhận ý kiến và đưa ra phản hồi, nhưng người dân phản ánh chưa cảm thấy hài lòng. Điều bất ngờ là qua trao đổi giữa trung tâm và người phản ánh, không ít người dân Huế lại có quan điểm ủng hộ cơ quan chức năng và giải thích, xoa dịu ý kiến với người phản ánh. Đó là sự thay đổi nhận thức rất đáng trân trọng.
Công nghệ dùng trong dịch vụ PAHT là rất mới, hướng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, thể hiện vai trò ngày càng rõ ràng và sâu sắc. Nếu như trước đây, với hành chính một cửa, tờ giấy ghi kết quả mà người dân được nhận từ cán bộ chỉ là kết quả xử lý trong nội bộ chính quyền, họ không thể biết các quy trình phía bên trong thì đến bây giờ, người dân lại thấy yếu tố công nghệ ngay trong tay của họ rồi. Họ cầm trong tay công cụ Hue-S, bấm gửi phản ánh, rồi thấy phản ánh của mình được đưa lên mạng, sau đó có người vào tiếp nhận hoặc xin lỗi.
Ví như có một đống rác, người dân thấy nó rất bẩn, họ chụp và đưa lên web. Người phụ trách khu vực nói mình đã dọn sạch rồi, nhưng khi người dân phản ánh có trong tay hình ảnh thực, thì cán bộ sẽ phải chịu đánh giá về quản lý yếu kém, và buộc phải thay đổi. Đây là sự chấn chỉnh rất quyết liệt, không còn chuyện trên bảo dưới không nghe, nói một đằng làm một nẻo, thiếu công khai minh bạch.
Là người đứng đầu HueIOC, ông có thể nói rõ hơn về thay đổi trong hoạt động của cơ quan hành chính?
HueIOC như một cái kho thông tin cho các sở, ngành và là cánh cửa mở ra những chuyển biến sâu sắc trong hoạt động của các cơ quan công quyền, dù đi kèm với những đổi mới đó là cái giá phải trả cho sự khó chịu của những người trong giai đoạn đầu chuyển mình. Chúng tôi xác định đây là công việc chung, có ích cho Huế, và hướng tới tương lai về một thành phố thông minh, nơi có những công dân thông minh mang trong mình niềm tự hào “hàng đầu châu Á” - giống như những giải thưởng mà HueIOC đã có được”.
Và dịch vụ PAHT của HueIOC đoạt giải thưởng Sao Khuê năm 2020 cho dịch vụ chuyển đổi số là hoàn toàn xứng đáng?
Đúng như vậy. Dịch vụ PAHT là dịch vụ tiêu biểu đã được bình chọn nhận giải thưởng Sao Khuê 2020 với giải pháp đều ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ban tổ chức đánh giá cao.
Trước đó, Giải pháp PAHT của HueIOC đã được nhận các danh hiệu: Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 (hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng); UBND tỉnh được Ban tổ chức giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á.
Xin cảm ơn ông!
THÁI BÌNH (Thực hiện)