Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp bồi dưỡng về kiểm tra, giám sát (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Phong
Kế thừa truyền thống của dân tộc, Bác Hồ đã vận dụng, phát huy và đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về phát hiện, sử dụng người tài, đức với tầm nhìn xa. Những học trò được Người giáo dục, bồi dưỡng đã trở thành những hạt nhân lãnh đạo trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của đất nước. Đó là một trong những bài học giúp Đảng ta vượt qua mọi thử thách, tạo được uy tín vững vàng trong quá trình lãnh đạo toàn dân tộc.
Trong một vài nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định về tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”, Bộ Chính trị có Nghị quyết 42 về công tác quy hoạch. Đặc biệt, BCH TW Đảng khóa XII đã ban hành Quy định 89 về "Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp", cùng với đó là quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm, quy định về kỷ luật đảng viên vi phạm…
Đã khắc phục những vấn đề tồn tại, có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, nhưng tại sao một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa xứng tầm, còn vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật?.
Có thể thấy rằng, khâu nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm của chúng ta còn nặng về hình thức. Nhiều tổ chức Đảng công tác phê bình và tự phê bình chưa đúng thực chất, đấu tranh nội bộ bị xem nhẹ, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, sợ ảnh hưởng thi đua. Có nơi đảng viên bỏ quên nguyên tắc phê bình, tự phê bình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám phê phán. Nhiều tổ chức căn cứ phân bổ cơ cấu (cán bộ nữ, trẻ, là người dân tộc thiểu số) một cách cứng nhắc, rập khuôn, nên cố vận dụng đưa những người dù không đủ năng lực vào cấp ủy cho đủ cơ cấu. Những cơ quan lớn có số lượng quy hoạch nhiều, đảng viên có đủ tiêu chuẩn tương đương nhau lại càng khó khi lựa chọn cán bộ tiêu biểu, nổi bật. Hệ quả là khi cấp trên lựa chọn để quy hoạch, cơ cấu lại bị nhiễu thông tin, không nắm được bản chất, năng lực thật sự của những cá nhân cụ thể.
Bên cạnh đó, ý chí chủ quan của cấp có thẩm quyền cũng là nguyên nhân của một số tồn tại trong giới thiệu nguồn quy hoạch. Chúng ta phê phán nhiều về tệ nạn ê kíp, cục bộ, nhóm lợi ích nhưng lại chưa có khái niệm xác định thế nào là mối quan hệ theo ê kíp, cục bộ. Trên thực tế, nhìn bề ngoài giữa cấp trên và cấp dưới là quan hệ bình thường, không thể quy kết thiên vị, ê kíp khi có lãnh đạo nào đó đưa ra giới thiệu người vào cấp ủy, lãnh đạo.
Song đằng sau họ đố ai biết những cái bắt tay hứa hẹn, những kiểu chạy sâu kín, tinh vi từ những mối quan hệ không bình thường. Ngay cả phê bình trong nội bộ cũng khó có căn cứ phê phán anh A cùng ê kíp với anh B, lại càng không thể quy kết do cục bộ mà lãnh đạo đưa ai đó vào cơ cấu. Đây là việc nhạy cảm, tế nhị, rất khó cho kết luận về tiêu cực cục bộ ở từng cơ quan.
Khi vụ án Trịnh Xuân Thanh lộ ra mới xác định được ai là người giới thiệu, để Thanh dù vi phạm nặng vẫn lên nhanh. Không làm triệt để vụ án này có thể nhiệm kỳ tới Trịnh Xuân Thanh sẽ vào Trung ương, Bộ trưởng không biết chừng. Rồi chuyện “hotgirl” Quỳnh Anh ở Thanh hóa được quy hoạch, lên chức nhanh như diều gặp gió là do được “nâng đỡ không trong sáng” của lãnh đạo tỉnh. Đó không còn là cá biệt khi mà nhiều trường hợp tương tự ở những cơ quan, địa phương đến nay vẫn “chưa bị lộ”.
Qua kiểm tra sơ bộ của Bộ Nội vụ đã phát hiện nhiều tỉnh, huyện, cơ quan có hàng loạt quyết định bổ nhiệm sai cho người nhà, người thân, nhưng vẫn được xem là đúng quy trình; nhiều trường hợp con ông cháu cha được bổ nhiệm khi còn quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, chưa xứng tầm. Tất cả những biểu hiện đó đều do chủ quan của lãnh đạo, cấp ủy, trong đó phần nhiều phụ thuộc ý chí của người đứng đầu.
Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều bài học xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức, nhưng không thể kiểm soát được triệt để. Cùng với đó là nạn chạy chức, chạy quyền chưa được phát hiện kịp thời đặt ra cho công tác giới thiệu nhân sự cấp ủy khó đạt yêu cầu, nếu không thực sự khách quan, công tâm.
Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu: “Đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể…”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Phải chọn những đồng chí có đủ tài, đức, trong đó nhấn mạnh đạo đức, coi đây là gốc của cán bộ.
Đánh giá cán bộ phải được xem xét khách quan trong quá trình quản lý của cấp ủy. Đặc biệt là dư luận, nhận xét của quần chúng trong cơ quan, nơi cư trú để có được thông tin chính xác, đa chiều.
NGUYỄN AN HÒA