CCB Trần Đình Xuân ở thôn An Xuân Bắc phát triển môn hình trồng cây cảnh
Chia sẻ thành công
Theo chân Phó Chủ tịch Hội CCB xã Quảng An, chúng tôi ghé thăm nhà CCB Trần Đình Xuân ở thôn An Xuân Bắc. Ấn tượng đầu tiên là căn nhà mới xây dựng khang trang đang dần hoàn thiện. Cạnh ngôi nhà là khu vườn rộng chừng hơn 300 m2 với rất nhiều cây cảnh có giá trị. Gia đình ông Xuân vốn thuộc diện khó khăn, nhờ phát triển cây cảnh nên mới có được cơ ngơi như hôm nay. Vườn nhà ông Xuân hiện có hơn 700 cây cảnh các loại, trị giá trên 1 tỷ đồng, cho lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Ông Xuân kể, sau khi xuất ngũ, không có việc làm nên gia đình hết sức khó khăn. Với niềm đam mê cộng với sự hỗ trợ, động viên của các CCB xã, huyện, ông mới mạnh dạn bắt tay xây dựng mô hình. Mô hình thành công, ông hỗ trợ lại các CCB khác về kỹ thuật chăm sóc và mối lái khách hàng, nhờ đó, số hội viên khá lên nhờ cây cảnh tăng đáng kể. “Là đồng chí, đồng đội, mình làm được thì chia sẻ cách làm giúp nhau cùng phát triển”- ông Xuân nói.
Không dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm, các hội viên còn giúp đỡ, hỗ trợ con, cây giống để những CCB nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Cách đây không lâu, khi thăm mô hình nuôi vịt của gia đình CCB Phan Ngọc Vui ở xã Quảng Phước, chúng tôi được biết CCB này còn đầu tư vốn cho 15 hộ gia đình mua máy ấp trứng, con giống. Quá trình nuôi, ông Vui thu mua trứng giúp bà con yên tâm đầu ra để sản xuất. Việc làm này góp phần giúp 7 hộ CCB trong xã vươn lên thoát nghèo, cho thu nhập ổn định.
Và kết nối
Hội CCB từ huyện đến cơ sở tập trung quan tâm nhiều đến các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Riêng chương trình phối hợp giữa hội và các ngân hàng đã tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế của nhiều hội viên.
Gia đình CCB Trần Đại Xứ (xã Quảng An) là một trong những điển hình làm giàu nhờ sự hỗ trợ vay vốn. Với mô hình chăn nuôi heo và hồ nuôi thủy sản xen ghép, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Ông Xứ kể, trước đây, gia đình ông sống chủ yếu dựa vào cây lúa nên kinh tế rất khó khăn. Được vay vốn ngân hàng thông qua kênh Hội CCB xã, ông đã đầu tư phát triển đàn heo nái. Ban đầu chỉ có 1- 2 con, đến nay số heo nái đã tăng lên 12 con. Ông còn mạnh dạn vay vốn đấu hồ nuôi thủy sản theo hướng xen ghép với diện tích 3 ha. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
CCB Trần Đại Xứ chỉ là một trong số 521 CCB khá lên nhờ vay vốn phát triển sản xuất qua kênh CCB. Theo số liệu thống kê của Hội CCB huyện, toàn hội có 312 hội viên phát triển mô hình trang trại, gia trại cho lãi ròng trên 50 triệu đồng/năm, trong đó, nhiều hộ phát triển trang trại cho thu nhập cao từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hội còn đứng ra vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi nghề phù hợp với năng lực quản lý và vốn đầu tư của từng gia đình.
Ông Phạm Thanh Lương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Điền thông tin, phần lớn các thế hệ CCB từ quân ngũ trở về địa phương đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm… ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình. Vì thế trong hoạt động, hội tập trung nhiều giải pháp giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống. Năm 2012, số dư nợ hội đứng ra bảo lãnh cho vay là 11 tỷ đồng, đến năm 2017 con số này đã tăng lên 17,5 tỷ đồng/521 hội viên CCB vay/9 chương trình. Làm tốt công tác bảo lãnh vay vốn nên đã góp phần giúp các gia đình phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Nếu đầu nhiệm kỳ, số hộ CCB nghèo là 25 hộ, cận nghèo 46 hộ thì nay con số này chỉ còn 19 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo. Số hộ khá và giàu tăng lên 785 hộ, chiếm 45,5% số hội viên.
Hoàng Loan