Sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Phạm vi sửa đổi của dự án Bộ Luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự, dự thảo Bộ Luật có tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với Bộ Luật hiện hành, trong đó sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ nguyên 20 điều.
Với phạm vi sửa đổi rộng, cơ bản và hầu hết các điều luật, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng nên sửa tên gọi của dự án là Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, là sự đánh dấu việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 chứ không như tên gọi đã trình là Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).
Tán thành với quy định về “quyền im lặng”
Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến cụ thể về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, hay còn được gọi là “quyền im lặng.”
Đây là một nội dung mới, quan trọng trong dự thảo Bộ Luật lần này. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định nội dung này tại dự thảo Bộ luật.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên ) thể hiện sự đồng tình quy định về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận là mình có tội với lý do.
Đại biểu phân tích, về tính hợp lý và khoa học, xuất phát từ quyền tự nhiên của con người là quyền tự bảo vệ, một người là thủ phạm nhưng có thể có hàng chục người bị tình nghi và bị tình nghi chưa hẳn là có tội. Do vậy, luật cần bảo đảm quyền này cho những người bị tình nghi, khi bản thân họ thấy chưa có đủ điều kiện về nhiều mặt như kiến thức pháp luật, thể chất và tinh thần.
Họ cần có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc và cần có người trợ giúp pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình.
Theo đại biểu Lê Thị Nga, quy định như dự thảo rõ ràng là minh bạch hơn so với hiện hành, vừa giúp cho bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy rõ nghĩa vụ và giúp Nhà nước chống oan, sai. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để thực hiện nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh,” “suy đoán vô tội,” “đảm bảo quyền bào chữa.”
Theo đại biểu, để thực hiện tốt quy định này, đối với các cơ quan tố tụng cần phải nâng cao năng lực, trình độ để có thể chứng minh bằng những bằng chứng khách quan ngoài lời nhận tội.
Đối với bị can, bị cáo tuy có thể không trình bày lời khai, nhưng Nhà nước không khuyến khích im lặng trong suốt quá trình tố tụng, lời khai của họ còn là căn cứ để mở rộng điều tra, làm rõ nhiều tình tiết quan trọng khác của vụ án.
Để bảo vệ lợi ích chung thì trong một số trường hợp như họ đồng thời là nhân chứng thì phải có nghĩa vụ khai báo nội dung liên quan đến nghĩa vụ của người làm chứng.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) nhận định rằng quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc đưa ra lời khai chống lại mình, buộc phải nhận mình có tội đã thể hiện đầy đủ quyền có thể khai báo hoặc không khai báo và không buộc phải đưa ra các cái lời khai tự nhận tội thuộc về mình.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị trong quá trình thực hiện cần khuyến khích nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì cũng được xem xét coi là tình tiết giảm nhẹ.
Đại biểu cho rằng như vậy vừa tránh được ép cung, nhục hình, mớm cung nhưng đặc biệt là tránh được việc hiểu về quyền im lặng dễ bị lạm dụng như những ý kiến lo ngại đã từng nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ.
Quan điểm rõ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá quy định này xác định người bị lấy lời khai vẫn hoàn toàn chưa bị kết luận là có tội, có đầy đủ quyền con người, quyền công dân đồng thời, quy định như thế tránh ép cung, mớn cung, truy bức buộc phải nhận tội. Quy định này cũng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của điều tra viên, của người bị lấy lời khai khắc phục tâm lý chủ quan, quy chụp của điều tra viên.
Đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung
Quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một điểm mới trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng việc thực thi được sẽ giảm bớt tình trạng bức cung, dùng nhục hình đồng thời cũng chính là sự bảo vệ cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp bị can, bị cáo phản cung.
Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ xem triển khai việc này cần bao nhiêu kinh phí, các bước tiến hành…
Đại biểu Lê Thị Nga đánh giá, quy định này nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư; là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo bức cung, nhục hình và bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội.
Đại biểu cho biết, đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tối cáo đã thống nhất với quan điểm này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình.
Đại biểu cho rằng đó là sự đồng thuận, đủ để luật hóa quy định này như đề xuất của Ban soạn thảo. Nói về những ý kiến phản biện cho rằng không đủ kinh phí thì cần đưa ra con số cụ thể cần bao nhiêu tiền để Quốc hội biết và phân bổ ngân sách cho hoạt động điều tra, “bởi đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động này là một yêu cầu quan trọng trong Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.”- đại biểu Nga nhấn mạnh.
Tán thành với quan điểm này, đại biểu Vũ Xuân Trường cho rằng cần thiết phải ghi âm, ghi hình tất cả các trường hợp hỏi cung bị can.
Việc làm này ngoài chống bức cung, nhục hình còn bảo vệ các cơ quan tố tụng trong những trường hợp bị cáo phản cung, làm minh bạch quá trình xét hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thái Học đánh giá đây là quy định mang tính tiến bộ, thể hiện việc khi hỏi cung sẽ có sự công khai, minh bạch và có sự giám sát. Qua đó sẽ khắc phục được việc bức cung, nhục hình. Nói về những băn khoăn của một số đại biểu về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ Luật có sự khảo sát để giải trình trước Quốc hội về nguồn kinh phí phải trang bị cho việc ghi âm ghi hình? có đáp ứng được hay không?
Đại biểu cho biết “khi thảo luận ở tổ, một đồng chí lãnh đạo ở địa phương nói nếu bảo vệ được quyền con người, quyền công dân và tránh bức cung nhục hình thì địa phương có thể sẵn sàng bỏ kinh phí để trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình này. Theo tôi nhiều địa phương khác sẽ ủng hộ tinh thần này.”
Nội dung thảo luận về dự thảo Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại đầu phiên họp chiều nay./.