Tổng thống Iran Hassan Rowhani hôm qua (15/7) nói rằng, thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc sẽ giúp Iran cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho Iran về sự hợp tác với thế giới.
Như vậy là một chương mới giữa Iran với cộng đồng quốc tế đã được mở ra. Theo đó, Iran sẽ dừng chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bở các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu đang áp dụng.
Trong chiều 15/7, phóng viên VOV đã phỏng vấn Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam, ông Hosein Alvandi Benhineh về tương lai mới mở ra sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử vưa đạt được:
|
Đại sứ CH Hồi giáo Iran Hosein Alvandi Benhineh trả lời phỏng vấn Đài TNVN về Thỏa thuận hạt nhân Iran
|
PV: Thưa Đại sứ, hôm 14/7 Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận lịch sử tại Vienna (Áo). Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của thỏa thuận này?
Đại sứ Iran Benhineh: Đây là một thỏa thuận quan trọng của khu vực và quốc tế. Thứ nhất, chúng ta có thể giải quyết những mâu thuẫn và xung đột quốc tế qua đàm phán. Các bên tuyên bố đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran, tháo gỡ những khúc mắc trong quan hệ quốc tế giữa Iran và phương Tây.
Bước đi tiếp theo sẽ là dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Iran và Iran sẽ thực hiện những cam kết với cộng đồng quốc tế. Để thực hiện thỏa thuận này sẽ mất vài tháng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện được điều này. Iran đã cho thấy thiện chí từ 2 năm trước khi sẵn sàng tham gia đàm phán với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng, phương Tây, một bên đàm phán sẽ thực hiện những thỏa thuận trong bản cam kết này.
Tôi nghĩ rằng, với thỏa thuận lịch sử vừa đạt được, hai bên đều có lợi khi đều đạt được mục đích mong muốn. Chúng tôi đã giúp thế giới thấy chương trình hạt nhân của chúng tôi nhằm mục đích hòa bình. Iran sẵn sàng hợp tác với cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để giải quyết những nghi ngại trong thời gian vừa qua đồng thời làm sáng tỏ chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình của Iran.
Thông qua đàm phán, vị thế của Iran trên trường quốc tế, niềm tự hào của nhân dân Iran cũng đã được nâng lên. Sắp tới, phương Tây sẽ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận với Iran và hai bên đã cùng “thắng-thắng” khi hai bên cùng có lợi với thỏa thuận này.
PV: Đại sứ vừa cho biết thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được cho thấy mọi vấn đề- dù gai góc đến đâu cũng có thể dùng đối thoại để giải quyết. Vậy, thỏa thuận này sẽ tác động như thế nào tới tình hình khu vực hiện nay?
Đại sứ Iran Benhineh: Thỏa thuận của |Iran và nhóm P5+1 là một thỏa thuận lịch sử. Tuy đã có rất nhiều mâu thuẫn chính trị sâu sắc, nhưng hai bên đã nỗ lực đàm phán và đi tới kết quả cuối cùng thông qua đối thoại và đàm phán. Điều đó cho thấy thiện chí chính trị của cả hai bên. Có thể thấy, kết quả cuộc đàm phán hạt nhân vừa qua sẽ là cơ sở để củng cố hòa bình tại Trung Đông. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy khủng hoảng tại Trung Đông do nhiều yếu tố tạo nên và sẽ còn nhiều việc phải làm để tạo dựng một Trung Đông hòa bình. Với việc đạt được thỏa thuận hôm qua, Iran đã cho thấy Iran là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Đây là cơ hội để thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực.
PV: Thỏa thuận vừa đạt được sẽ giúp Iran ngày càng giữ vị thế quan trọng trong khu vực. Vậy Iran sẽ làm gì để đóng góp vào việc duy trì sự ổn định và hòa bình tại Trung Đông hiện nay, thưa Đại sứ?
Đại sứ Iran Benhineh: Có thể nói việc đạt được thỏa thuận hạt nhân vừa qua sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực hơn. Nó cũng sẽ là cơ hội để củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa Iran và các quốc gia trong khu vực. Thông điệp đầu tiên Iran gửi tới sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đó là Iran đã sẵn sàng cho việc thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác trong khu vực Trung Đông.
Trước đây, bây giờ và tương lai, tôi xin khẳng định là Iran không bao giờ có ý định sở hữu bom nguyên tử. Đây là thời điểm chín muồi để các nước thấy rằng chúng tôi hoàn toàn có thể hợp tác và củng cố tình hữu nghị với các nước.
Về những mối đe dọa quốc tế, chúng ta không thể làm ngơ trước những phần tử Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Iran không công nhận tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vì nó gây ra nhiều nguy cơ đối với thế giới. Sự ổn định và hòa bình của Trung Đông là cần thiết để cùng nhau loại bỏ mối đe dọa này. Iran sẵn sàng hợp tác cùng cộng đồng quốc tế để loại bỏ những nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Đàm phán hạt nhân vừa đạt sẽ tạo ra một môi trường mới để Iran cùng các quốc gia trong khu vực cùng nhau hợp tác và phát triển./.
Theo thông tin mới nhất, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc vào tuần tới sẽ bỏ phiếu một nghị quyết để thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran, theo đó chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, một lệnh cấm vận về vũ khí, tên lửa đạn đạo của Tehran sẽ vẫn được duy trì.
Theo nguồn tin ngoại giao phương Tây, hiện Mỹ đang lưu hành một dự thảo nghị quyết về thỏa thuận hạt nhân Iran và sớm trình lên Hội đồng gồm 15 thành viên để bỏ phiếu thông qua. Nghị quyết Liên Hợp Quốc ủng hộ thỏa thuận này còn bao gồm việc sẽ thực thi cơ chế trừng phạt trong trường hợp Iran vi phạm thỏa thuận. Nếu nghị quyết trên được thông qua sẽ chấm dứt các biện pháp trừng phạt áp đặt 10 năm qua đối với I-ran và vấn đề hạt nhân của nước này cũng sẽ được loại khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc./.