Đại úy Trần Trọng Bằng (ngoài cùng bên trái) triển khai phương án cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3
Sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3, Đại úy Trần Trọng Bằng nhận lệnh tiền trạm, trinh sát địa bàn tại khu vực sạt lở thuộc Tiểu khu 67, phục vụ công tác CNCH.
Lúc này, trời mưa lớn, tuyến đường bộ bị sạt lở, tắc nghẽn không lưu thông được, anh cùng đồng đội triển khai di chuyển theo đường thủy. Từ bến thuyền xã Hương Bình (TX. Hương Trà), Đại úy Bằng cùng các lực lượng theo tuyến đường thủy vượt qua mặt hồ thủy điện Hương Điền, tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 để vào Rào Trăng 3.
Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách mà các anh phải căng sức để vượt qua. Đại úy Trần Trọng Bằng chia sẻ: “Để vào được Rào Trăng 3, sau khi chèo xuồng khoảng 1,5 km, anh em chúng tôi phải vượt tiếp khoảng 3km đoạn đường sạt lún. Mỗi bước chân đặt xuống cần phải cân nhắc để đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện CNCH mang theo.
Đến hiện trường, chúng tôi cung cấp nhu yếu phẩm, ổn định tư tưởng, tinh thần cho các công nhân, đồng thời sử dụng Flycam để nắm toàn bộ thực địa Rào Trăng 3, trinh sát thủy điện ALin B2, báo cáo tình hình để UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đưa ra các giải pháp nắm tình hình, kịp thời triển khai công tác CNCH.
Khoảng thời gian từ ngày 13/10 đến 4/11, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Mưa lớn khiến đất đá tiếp tục sạt lở. Bùn đất dày khoảng 0,5m khiến việc tìm kiếm CNCH hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Đại úy Bằng cùng đồng đội kiên nhẫn bám hiện trường, linh động triển khai thực hiện tìm kiếm CNCH.
Lực lượng CNCH đã phối hợp với các lực lượng khác đã đưa những nạn nhân bị thương ra khỏi thủy điện Rào Trăng để cấp cứu, tiếp tế thức ăn, nước uống, tìm kiếm; đồng thời việc tìm kiếm các thi thể nạn nhân mất tích khác vẫn tiếp tục bằng các phương án: Sử dụng thiết bị bay cảm biến nhiệt của Công ty công nghệ AGS (TP. Hồ Chí Minh) để phân tích chi tiết địa hình, phục vụ công tác tìm kiếm CNCH.
Hiện, 5/17 nạn nhân chết và mất tích do sạt lở đất đá ở thủy điện Rào Trăng 3 đã được tìm thấy. Phương án tiếp tục được triển khai là, nắn dòng ở vị trí thượng nguồn khu vực sạt lở, đào tạm con sông để thay đổi dòng chảy nhằm tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích ở khu vực lòng sông…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì người lính CNCH có thể trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, trong mỗi trái tim người lính là một tình yêu, sự hy sinh thầm lặng dành cho nghề. Ngay khi trở về từ Rào Trăng 3 trong đêm, Đại úy Trần Trọng Bằng chỉ kịp dành hơn 10 tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho hôn lễ vào sáng hôm sau. Xong việc, anh lại khẩn trương trở lại hiện trường để tiếp tục nhiệm vụ.
Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cho biết: Đại úy Bằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia và tổ chức công tác huấn luyện. Mỗi khi xảy ra các vụ hỏa hoạn hoặc những tai nạn cần sự vào cuộc của lực lượng CNCH, Đại úy Bằng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để cứu người, cứu tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Với những nỗ lực đó, đồng chí Bằng nhiều lần được các cấp tặng giấy khen. Năm 2019, Đại úy Bằng vinh dự được công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Bài, ảnh: Tuệ Minh