ClockThứ Năm, 21/06/2018 09:03

Đảm bảo an toàn tác nghiệp trong thời công nghệ số

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến nhiều loại hình truyền thông, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn thông tin báo chí trong môi trường công nghệ số.

Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN

Thực tế hiện nay cho thấy, thông tin từ mạng xã hội có khả năng lan tỏa nhanh, rộng hơn so với phương tiện báo chí truyền thống (báo in, phát thanh, truyền hình). Công nghệ phát triển, kết nối internet mở rộng đã hỗ trợ nhiều cho việc làm báo nhưng các nhà báo cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khi tác nghiệp.

Mạng xã hội - “dao hai lưỡi”

Việc xử lý các nguồn tin trên mạng xã hội đòi hỏi các nhà báo phải có nghiệp vụ vững vàng, quan điểm chính trị. Ảnh: TTXVN

Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ đã góp phần kết nối hàng triệu cá nhân trên toàn cầu, đưa mọi người đến gần với nhau hơn, phổ biến là các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin... Người sử dụng mạng xã hội thuộc mọi thành phần xã hội, từ các nguyên thủ quốc gia, người nổi tiếng, các nhà báo, diễn viên, cầu thủ đến học sinh, sinh viên...

Bên cạnh tác dụng tích cực, mạng xã hội cũng là nơi tên tuổi các nhà báo nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội bị lợi dụng để làm giả tài khoản, đăng tin không chính xác, thậm chí là tin giả mại. Nhà báo Lại Văn Sâm khẳng định: 100% các trang Facebook mang tên ông đều là giả mạo bởi ông hoàn toàn không dùng Facebook. Đến thời điểm này vẫn có nhiều tài khoản Facebook mang tên và ảnh đại diện của Nhà báo Lại Văn Sâm, khiến nhiều người nhầm lẫn.

Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet Nguyễn Bá chia sẻ: Mạng xã hội là kênh chia sẻ thông tin, có thể là một nguồn tin cho các nhà báo nhưng không thể thay thế chức năng của các cơ quan báo chí chính thống. Việc xử lý các nguồn tin trên mạng xã hội đòi hỏi các nhà báo phải có nghiệp vụ vững vàng, quan điểm chính trị.

Nhà báo khi tham gia điều tra, thực hiện phóng sự về các vấn đề "nóng" trong xã hội có thể bị các đối tượng xấu tìm kiếm thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin gia đình… trên mạng xã hội, bị gọi điện, nhắn tin nặc danh đe dọa an toàn bản thân, thành viên trong gia đình.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng đại diện Báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên đã trực tiếp thực hiện hàng loạt phóng sự điều tra về tham nhũng, buôn lậu…, dũng cảm đưa nhiều vụ việc oan sai ra ánh sáng công lý… Trong quá trình làm báo, chị phải đối mặt với nhiều cuộc gọi điện thoại đe dọa, tin nhắn, thậm chí bị lập facebook giả, lấy cắp (hack) tài khoản cá nhân…

Nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ, năm 2003, chị nhận được nhiều lời đe dọa qua điện thoại. Mặc dù đã ghi âm cuộc gọi đe dọa và gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an, được bảo vệ nhưng ngay tối hôm đó, kẻ xấu đã đột nhập nhà chị và đốt xe. Năm 2015, chị tiếp tục bị các đối tượng xấu lập facebook giả, sử dụng nick ảo để tấn công. Chị bị bôi nhọ, đe dọa nghiêm trọng đến mức phải viết đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Sau nhiều lần bị đe dọa, chị Nga đã ý thức được việc phải tự bảo vệ bản thân khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là email và facebook.

Mạng xã hội là nơi nhà báo có thể sử dụng để nắm bắt thông tin nhưng cũng là nơi các đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội để tấn công lại các nhà báo. Trước tính chất “hai lưỡi” của mạng xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Các nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội phải nhận diện được nguy cơ của môi trường số, từ đó có giải pháp bảo vệ bản thân và lợi ích của công chúng, lợi ích quốc gia, dân tộc khi đưa tin, đảm bảo đăng tải thông tin khách quan, đúng sự thật...

Làm chủ công nghệ trong thời đại số

Báo chí muốn phát triển phải tận dụng được các lợi thế công nghệ và nhà báo phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh chóng và chính xác. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cách thức làm báo, phong cách phóng viên ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Với máy tính xách tay, điện thoại thông minh kết nối internet, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số… nhà báo có thể tác nghiệp, đăng tải tin, bài mọi lúc mọi nơi.

Mặt khác, thiết bị thông minh ngày càng phổ biến, cước sử dụng internet không còn quá đắt đỏ khiến lượng lớn độc giả lựa chọn đọc báo trên điện thoại, máy tính bảng... Đặc tính tương tác cho phép người đọc đăng tải các bài viết, bình luận, chia sẻ video clip lên mạng internet… Do đó, hiệu ứng thông tin trên mạng internet lan truyền rất nhanh. Điều này khiến việc đảm bảo an toàn dữ liệu, an toàn thông tin ngày càng trở thành thách thức lớn của trong thời đại công nghệ số.

Thống kê thường niên của hãng bảo mật Kaspersky Lab năm 2017 cho thấy: Việt Nam đứng đầu danh sách có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc cục bộ, đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia bị tấn công vào lỗ hổng bảo mật mã hóa, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc trực tuyến.

Giám đốc Công nghệ nội dung, Công ty cổ phần VC Corp Ngô Văn Tráng cho hay: Vấn đề an toàn thông tin ở Việt Nam cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi trong năm 2017, có 10 triệu vụ tấn công vào các hệ thống điều kiển máy tính (server), trong đó tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của giới truyền thông uy tín là nhiều nhất. Sử dụng công nghệ để làm nghề nhưng không thạo kỹ thuật, công nghệ, phóng viên, biên tập viên là đối tượng dễ bị lợi dụng, tấn công trên mạng. Việc tác nghiệp hàng ngày, dùng wifi miễn phí nên việc bị đánh cắp mật khẩu, tài khoản là chuyện xảy ra như “cơm bữa”; gần như ngày nào cũng có những vụ tấn công mạng nhằm vào các trang thông tin điện tử.

Kết quả là trong 10 triệu vụ tấn công năm 2017, có khoảng 4,6 triệu cuộc tấn công bằng mã độc để đánh cắp thông tin nhằm vào các các cơ quan báo chí, các đơn vị truyền thông uy tín bằng cách nhanh nhất là tấn công vào phóng viên, biên tập viên như đưa thông tin giả mạo, tấn công đánh cắp dữ liệu…

Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt là với báo chí điện tử, dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu vừa là sản phẩm, tài sản của báo chí. Không phải phóng viên, nhà báo nào cũng có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về an toàn thông tin nhưng mỗi người cần chủ động tìm hiểu kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ bản thân khi sử dụng mạng xã hội, cẩn trọng khi đưa thông tin gia đình lên mạng xã hội; chia sẻ thông tin vào nhóm bạn thân, đặt bảo mật cho tài khoản Facebook, tham khảo các các bảo mật thông tin cá nhân được hướng dẫn trên Google...

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Vận dụng các thiết chế thúc đẩy phát triển công nghệ số

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số đang là cơ hội vàng thúc đẩy phát triển các ngành nghề, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của địa phương. Để tận dụng những lợi thế tốt nhất, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghệ thông tin (CNTT).

Vận dụng các thiết chế thúc đẩy phát triển công nghệ số
Tối ưu hóa điều trị bệnh lý nội khoa

Đó là chủ đề hội nghị khoa học nội khoa toàn quốc do Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức ngày 5/10. Tham dự có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình. Hội nghị thu hút hơn 700 đại biểu cùng các chuyên gia trong, ngoài nước.

Tối ưu hóa điều trị bệnh lý nội khoa

TIN MỚI

in decal Chọn mẫu Máy in 3D Giá rẻ đẹp iphone 15 pro max iPhone 16 pro max
Return to top