“Quýt làm cam chịu”
Giữa năm 2014, Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng 368 (công ty) “tiếp quản” khai thác mỏ đá Khe Diều để cung cấp cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Từ đó, mỗi lần công ty nổ mìn khai thác là người dân trong khu vực lo lắng vì nhà cửa rạn nứt, môi trường ô nhiễm.
|
Khu vực mỏ đá Khe Diều (Lộc Thủy) công ty 368 đang khai thác |
Ông Trần Lợi, thôn Thủy Cam, Lộc Thủy bức xúc cho rằng, thời gian qua, do công ty nổ mìn, làm cho ngôi nhà và hai ngôi mộ của gia đình nằm cách mỏ đá khoảng 100m, bị rạn nứt và hư hỏng (riêng hai ngôi mộ bị hất văng các búp sen và đầu rồng). Theo thẩm định từ các thợ xây ở địa phương về hư hỏng nhà cửa và lăng mộ, nếu sửa chữa kinh phí khoảng 150 triệu đồng; trong đó ngôi nhà khoảng 120 triệu đồng. Không chỉ thiệt hại về vật chất, vợ ông - bà Nguyễn Thị Sen bị bệnh u não, mỗi lần tiếng mìn hay tiếng nghiền đá phát ra từ mỏ Khe Diều khiến bà rên khóc, không ngủ được.
Theo ông Nguyễn Văn Xán, Trưởng thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, không riêng ông Trần Lợi mà còn nhiều hộ dân sống gần mỏ đá Khe Diều đang ngày đêm bị tra tấn. Có những hôm, mỏ đá Khe Diều nổ mìn làm rung chấn khiến nhiều người dân hoang mang. Ước tính có gần 10 ngôi nhà trong khu vực bị nứt tường do rung chấn từ tiếng nổ mìn phá đá của công ty, đơn cử như nhà hộ Trần Văn Hiệp, Đỗ Vui, Lê Thị Quả... Riêng trường hợp của hộ Trần Lợi nhà bị hư hỏng nặng, dù thời gian qua xã, huyện đã can thiệp, thậm chí gia đình ông Lợi đến lập trại ngăn cản hoạt động nổ mìn của công ty nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Không nên để kéo dài
Theo ông Lợi, chuyện nhà cửa, lăng mộ rạn nứt, nhiều lần ông gửi đơn đến xã, các ban, ngành chức năng huyện can thiệp nhưng phía công ty vẫn làm lơ. Cuối tháng 6/2015, ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc chủ trì cuộc đối thoại giữa các bên liên quan. Kết quả cuối cùng, gia đình chỉ được công ty đền bù 25 triệu đồng sửa chữa 2 ngôi mộ; còn việc hư hỏng ngôi nhà đại diện lãnh đạo công ty đã hứa bồi thường nhưng đến nay chẳng động tĩnh.
Do phía công ty không thực hiện đúng như cam kết tại cuộc đối thoại, những ngày gần đây, ông Lợi đã “cõng” người vợ bệnh tật “vượt tuyến” tiếp tục gõ cửa cầu cứu các cơ quan, ban ngành chức năng cấp tỉnh xem xét, can thiệp, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết: Chuyện nổ mìn, khai thác đá làm hư hỏng nhà ông Lợi đã được xã, huyện can thiệp giải quyết nhiều lần. Tuy nhiên, phía công ty không tích cực hợp tác làm sự việc trở nên rối rắm. “Hiện nay lãnh đạo địa phương đề nghị công ty sớm thẩm định mức độ thiệt hại nhà cửa để bồi thường cho ông Trần Lợi. Nếu hai bên không thống nhất nên nhờ Tòa án giải quyết vì đây là vấn đề dân sự” - ông Hữu nói.
Ông Hà Cảnh Bình, Giám đốc Điều hành Công ty 368 cho biết, chuyện ông Trần Lợi đề nghị đơn vị đền bù nhà cửa bị rạn nứt là không có cơ sở. Lý do vì nhà ông cách mỏ đá 630m, không nằm trong phạm vị rung chấn, ảnh hưởng khi mìn nổ của đơn vị (tầm ảnh hưởng rung chấn khi nổ mìn chỉ trong bán kính 300m). Tuy nhiên để có cơ sở bồi thường, đơn vị đang hợp đồng thuê máy đo rung chấn đến thẩm định, nhưng hiện chiếc máy này đang phục vụ thẩm định các ngôi nhà rạn nứt dọc tuyến QL1A qua huyện Phú Lộc nên phải chờ thêm một vài tuần. “Nếu máy đo đưa ra kết quả nhà ông Lợi rạn nứt do bị rung chấn của tiếng mìn nổ khai thác đá, chúng tôi sẽ bồi thường thỏa đáng, đúng giá trị thiệt hại. Ngược lại, chúng tôi không xây dựng được phương án bồi thường”-ông Bình khẳng định.
Những lý lẽ của hai bên (ông Lợi và Công ty 368) đều chưa xác đáng! Để sự việc trên đi đến hồi kết, đề nghị các ban ngành chức năng tỉnh sớm xem xét, thẩm định để có cơ sở giải quyết rốt ráo. Nếu không tìm được tiếng nói chung, đôi bên cần đến Tòa án giải quyết dứt điểm tránh dư luận xấu trong xã hội kéo dài.