Người dân Hương Thủy phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống
Hiệu quả
Thủy Tân là một trong 3 xã ở TX. Hương Thủy về đích nông thôn mới sớm hơn so với kế hoạch. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, còn có đóng góp tích cực của người dân.
Chủ tịch UBND xã Thủy Tân Nguyễn Tấn Hợp cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, nhiều người dân đã tự nguyện hiến gần 10.000 m2 đất, đóng góp 360 triệu đồng và gần 1.300 ngày công lao động để cùng với xã xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xóm với tổng chiều dài hơn 5km; nâng cấp hơn 1,6km kênh mương nội đồng. Đường làm xong đến đâu, điện thắp sáng được người dân đầu tư lắp đặt đến đó. Cũng qua tuyên truyền, vận động, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đó là lý do để Thủy Tân giảm được hộ nghèo toàn xã từ 6,07% xuống còn 3,56%.
Tại phường Thủy Dương, để thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, tang lễ, Đảng ủy phường đã lãnh đạo hệ thống chính trị tham gia công tác vận động quần chúng. Cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu; Mặt trận, các đoàn thể làm nòng cốt để vận động đoàn viên, hội viên mình cùng thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất. “Đến nay, người dân trong phường không dọn hạt dưa và thuốc lá trong tang lễ; đám tang không để quá 3 ngày; không rải vàng mã qua các tuyến đường cấm; khi đốt vàng mã phải có thùng đựng. Từ những kết quả đó, phường được UBND tỉnh tặng bằng khen về việc vận động Nhân dân chấp hành tốt đám tang không để quá 3 ngày”, ông Ngô Hữu Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương chia sẻ.
Là địa bàn có nhiều tuyến đường ngang dân sinh băng qua đường sắt, trung bình mỗi năm có từ 2 đến 3 vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở thôn 5, nên Đảng ủy xã Thủy Phù đã ra nghị quyết thành lập mô hình “Điểm cảnh giới đường ngang cựu chiến binh - khăn quàng đỏ”. Đến nay, 24 tình nguyện viên là những cựu chiến binh của xã và học sinh Trường THCS Thủy Phù đã thực hiện 720 giờ, cảnh giới được 950 chuyến tàu. Ngoài việc thường xuyên phân công trực gác tại điểm cảnh giới, các tình nguyện viên còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chú ý quan sát khi đi qua các điểm giao nhau với đường sắt. Nhờ vậy, tình trạng tai nạn đường sắt ở thôn 5 không còn xảy ra.
Phải bắt đầu từ lợi ích chính đáng của người dân
Hiện Hương Thủy có 127 mô hình điển hình; trong đó, có 40 mô hình “Dân vận khéo”; 53 mô hình xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh…
|
Nhiều bài học kinh nghiệm được các cấp ủy Đảng ở Hương Thủy đúc rút trong quá trình thực hiện các mô hình, phong trào “Dân vận khéo” thời gian qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận thì nơi đó đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất, có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Mặt trận, các đoàn thể là mối liên kết để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân khi thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.
“Việc lựa chọn, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải xuất phát từ tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị và lợi ích chính đáng của tập thể, quần chúng nhân dân, từ đó mới tạo sự đồng tình, hưởng ứng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã rất thành công ở Hương Thủy. Kết quả đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố tạo thành; trong đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là nhân tố có tính quyết định đến sự thành công”, ông Trần Tấn Quốc, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Thị ủy Hương Thủy khẳng định.
Bài, ảnh: ANH PHONG