ClockThứ Bảy, 07/12/2019 13:30

Đặt tên đường phố: Cần cởi mở & sáng tạo

TTH - Việc đặt tên đường của thành phố Đà Nẵng đang tạo ra tranh luận gay gắt, do đề xuất đặt tên đường là hai vị giáo sĩ phương Tây mà nhiều người đánh giá là họ đã chế tác chữ quốc ngữ, nhiều người thì đánh giá ngược lại, và một số thì có quan điểm khác. Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng đang đứng trước một thử thách gian nan.

Đặt tên đường phố - một cách giáo dục truyền thống

Đường phố Huế

Điều đó cho thấy, đặt tên đường không bao giờ là việc đơn giản, nhưng có đến mức phức tạp, nan giải vậy không? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp các đô thị khác tránh được “khủng hoảng đặt tên đường” như Đà Nẵng, và rút ra bài học hữu ích cho một công việc không chỉ liên quan đến người xưa, người nay mà cả người đời sau.

Tên đường phố, cũng như tên người, phải hay (về nội dung) và phải đẹp (về hình thức). Khi đặt tên con, các bậc sinh thành còn đặt vào đó cả mong ước và kỳ vọng của mình với con cái. Nhưng dù rất quan trọng thì đó cũng chỉ là cái tên của một cá nhân. Còn tên đường phố là cái tên của lịch sử quốc gia, là biểu tượng văn hóa của dân tộc, phản ánh trí tuệ, tình cảm của cả cộng đồng. Việc đặt tên đường phố phải đảm bảo cả tính pháp lý lẫn tính hợp lý (với thực tế), cả tính văn hóa lẫn tính kinh tế, tính biểu tượng và cả tính tiện dụng. Không phải chỉ Đà Nẵng, mà nhiều đô thị khác cũng đã xảy ra nhiều sai sót, bất hợp lý trong việc đặt tên đường, để lại những câu chuyện đàm tiếu trong dân gian. Những rắc rối đó hầu như không xảy ra với những cái tên địa danh, di tích, phong trào hay danh từ chung nào cả, mà chỉ xảy ra với những cái tên danh nhân. Bởi vì, danh nhân là con người, mà con người thì có đủ mọi mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả ưu điểm lẫn khiếm khuyết không thể tránh khỏi.

Vì lẽ đó, việc đặt tên đường phố cần phải cẩn trọng, kỹ lưỡng để không xảy ra sai sót, bảng tên đường dựng lên rồi thì râm ran dư luận tranh cãi, vừa làm đau lòng người quá khứ, vừa buồn lòng người hiện tại.

Phải cẩn trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng đừng quá khắc khe, đến mức “xét nét” khuyết điểm của người xưa - người đã khuất. Nhà sử học Nguyễn Đình Tư, nguyên ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP. Hồ Chí Minh, cho biết khi xem xét đưa tên của một nhân vật nào vào quỹ tên đường, các thành viên trong hội đồng thường nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng này đều thống nhất quan điểm nhân vô thập toàn, người có công trạng lớn thì nên ghi nhận và bỏ qua những khuyết điểm của họ. Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - tác giả cuốn sách “Huế - tên đường phố xưa & nay”, thì cho rằng, khi đặt tên đường liên quan đến nhân vật lịch sử, cần có cái nhìn cởi mở, nên nhìn vào những đóng góp của họ cho đời sống hôm nay!

Đường phố Huế nên có những tên đường mang đặc trưng, dấu ấn riêng. Ảnh: PN

Vì rằng, nếu nhìn bằng cái nhìn khắc khe như thế, e rằng sẽ có nhiều nhân vật lịch sử dù công trạng lớn cũng phải bị loại bỏ vì khuyết điểm của họ. Và như thế, e rằng quỹ tên đường sẽ không đủ tên để đặt, khi đô thị mỗi năm lại có thêm nhiều đường phố mới. Sắp đến khi đô thị mới An Vân Dương xây dựng hoàn tất, và đô thị Huế sẽ mở rộng thêm gấp năm lần diện tích hiện tại, thì sẽ cần một số lượng rất lớn tên đường để đặt.

Nghị định 91 cũng quy định “tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài”, vì cũng theo nghị định này, việc đó không chỉ thể hiện “lòng tự hào dân tộc” mà còn có “tình hữu nghị đoàn kết quốc tế”. Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, thời điểm trước 1945, ở Huế có rất nhiều đường phố mang tên người nước ngoài, chủ yếu là tên của các nhân vật lịch sử, quân nhân người Pháp, do chính phủ bảo hộ Pháp đặt ra. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim nắm quyền và đốc lý TP. Huế đã thay hết tên đường phố mang tên người nước ngoài để thay bằng tên của danh nhân Việt Nam. Vì vậy, hiện nay tên đường phố Huế thiếu hẳn tên của những những nhân vật người nước ngoài, nhất là những người có nhiều đóng góp cho Huế. Chẳng hạn, nhân vật L. Cadiere, một vị linh mục của Hội thừa sai Paris đồng thời là một nhà Việt Nam học kiệt xuất, chủ biên bộ tạp chí Những người bạn của Huế xưa (BAVH) nổi tiếng, đã chọn Huế làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Jesse Peterson, một người Canada làm giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam và rất giỏi tiếng Việt, viết trên báo Tuổi Trẻ rằng, anh thấy tên đường phố ở Việt Nam có quá nhiều nhân vật lịch sử gắn với các cuộc chiến tranh. Điều đó là đúng với lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, nhưng đó là quá khứ, còn hiện tại Việt Nam đang mở cửa hội nhập với thế giới, đón du khách năm châu bốn biển. “Khi địa lý không còn là khoảng cách, tên đường không chỉ là những cái tên của Việt Nam mà cần có cả những tên tuổi, địa danh, sự kiện của thế giới”.           

Tôi đồng nhất với chàng trai người Canada này khi cho rằng, việc đặt tên đường phố cần phải sáng tạo. Tại sao tên đường phố chỉ là danh nhân, di tích lịch sử, địa danh văn hóa mà không có cây cối, hoa lá, muông thú... là vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên? Tại sao tên đường phố Huế không thể là: đường hoàng mai, đường đỗ quyên, đường kim giao, đường hoàng đàn, đường sao la... Những loài hoa đặc sắc của Huế, những loài cây và thú rừng đặc hữu của rừng Bạch Mã. Chỉ cần lấy tên các sản vật, muôn thú, kỳ hoa dị thảo khắc trên cửu đỉnh, là có một bộ tên đường quá ý nghĩa để đặt cho đường phố Huế.

Tên đường phố không chỉ là ý chí của chính quyền mà còn là đầu óc tiến bộ của dân chúng và tấm lòng rộng mở của cả cộng đồng. Tên đường không chỉ dành cho người xưa, người nay mà cả cho người mai sau. Không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà còn là sự đóng góp của thế giới. Nếu việc đặt tên đường phố Huế đạt được điều đó, thì Huế không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính mà còn tăng sự thiện cảm từ cách ứng xử nhân văn và trí tuệ này.

Bài: MINH DÂN - Ảnh: NP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Nghệ thuật Gỗ Óc Chó Việt Á Đông: Khi Sáng Tạo Gặp Chất Lượng

Những năm trở về đây, gỗ óc chó trở thành tâm điểm trong lĩnh vực nội thất và tạo được sức hút đặc biệt khi xuất hiện trong nhiều công trình dự án đẳng cấp. Gỗ óc chó không chỉ đẹp về mặt màu sắc và vân gỗ, mà còn là biểu tượng của sự cao quý và tinh hoa của văn hóa Á Đông.

Nghệ thuật Gỗ Óc Chó Việt Á Đông Khi Sáng Tạo Gặp Chất Lượng
Return to top