ClockThứ Hai, 07/12/2020 20:05
KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM THỪA THIÊN HUẾ (8/12/1990 - 8/12/2020)

Dấu ấn 30 năm hình thành và phát triển

TTH - Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế (DVVL) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được thành lập theo Quyết định số 1008 ngày 8/12/1990 của UBND tỉnh với tên gọi ban đầu là Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm. Quá trình hình thành và phát triển, Trung tâm DVVL trải qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gắn với sự phát triển của thị trường lao động với những đặc điểm khác nhau.

Hàng ngàn lao động được giới thiệu việc làmHơn 1.400 vị trí việc làm chờ người lao động

Cựu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH và Bộ trưởng Phúc lợi Lào thăm Trung tâm DVVL vào năm 2013

Giai đoạn từ 1990 đến 2000 là thời kỳ thị trường lao động mới hình thành. Thực hiện Quyết định 176 ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm ra đời nhằm đào tạo lại nghề, giới thiệu việc làm cho số lao động dôi dư. Từ năm 1994, để tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động dịch vụ việc làm hòa nhập với thế giới, đáp ứng yêu cầu không ngừng biến đổi của thị trường lao động, tổ chức dịch vụ việc làm chính thức được quy định tại Bộ luật Lao động, với nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu, cung ứng và giúp tuyển lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động.

Nhiệm vụ chủ yếu của trung tâm giai đoạn này là thực hiện các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho số lao động dôi dư; đào tạo nghề ngắn hạn gắn với các chương trình dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO ), như NARV, EC, WV, SVTC dành cho các đối tượng hồi hương, các đối tượng yếu thế của xã hội. Thực hiện các chương trình Việt Đức, Việt Tiệp về dạy nghề, tạo việc làm dành cho các đối tượng lao động hợp tác quốc tế từ các nước Đông Âu trở về. Các hoạt động đưa lao động ra nước ngoài bắt đầu chuyển hướng từ thị trường Đông Âu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông. Công tác giới thiệu việc làm chủ yếu là cung ứng lao động cho các tỉnh, các khu công nghiệp ở phía Nam và cung ứng lao động cho các công ty có chức năng đưa lao động ra nước ngoài làm việc của Bộ LĐTB&XH.

Hoạt động ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm đáp ứng nhu cầu việc làm  ngày càng cao của đối tượng lao động và doanh nghiệp

Từ năm 2000 đến 2007, đơn vị tiếp tục khẳng định nhiệm vụ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ), cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn này, trung tâm đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, dạy nghề, liên kết đào tạo. Các hoạt động dạy nghề ngắn hạn gắn với việc làm tại trung tâm và lưu động đã được trung tâm chú trọng. Đơn vị tổ chức liên kết với các trường cao đẳng, đại học để đào tạo các ngành quản lý lao động, công tác xã hội, kế toán, quản lý xã hội, kinh tế... đáp ứng nhu cầu về cán bộ làm việc cho các địa phương trong tỉnh và ngành LĐTB&XH.

Đáp nhu cầu tìm việc, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động đã bắt đầu được tổ chức từ năm 2002, tạo nơi kết nối giữa NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.

Thị trường lao động đi làm việc nước ngoài ở giai đoạn này bắt đầu phát triển và chủ yếu là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Song, do hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên việc hình thành kênh thông tin thị trường lao động chính thống từ các trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước đã hạn chế dần hoạt động lừa đảo từ các cơ quan tổ chức, cá nhân trung gian về môi giới việc làm.

Giai đoạn từ 2007 đến nay, thị trường lao động phát triển rõ nét hơn, các văn bản pháp lý về dịch vụ việc làm ngày càng hoàn thiện. Tháng 10/2009, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 34 hướng dẫn Nghị định 127 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), các trung tâm giới thiệu việc làm được bổ sung thêm nhiệm vụ để thực hiện chính sách này. Bộ luật Lao động 2012, Luật Việc làm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí và nhiệm vụ của Trung tâm DVVL là cầu nối trong thị trường lao động. Nhất là năm 2018, khi Việt Nam gia nhập Công ước 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm, nhiệm vụ dịch vụ việc làm công và chăm lo về việc làm càng được khẳng định và không thể thiếu trước xu hướng hội nhập sâu rộng.

Tháng 3/2007, sàn giao dịch việc làm (GDVL) Thừa Thiên Huế ra đời, tạo sân chơi cho NLĐ và người sử dụng lao động. Hoạt động của sàn GDVL đã đi vào nề nếp với định kỳ hàng tháng 2 phiên vào ngày 5 và 20. Các hình thức phiên GDVL tổ chức tại các địa phương, các trường cao đẳng, đại học đã thu hút hàng ngàn lao động khu vực nông thôn, sinh viên các trường hưởng ứng tham gia. Các phiên GDVL chuyên đề, online ngày càng chú trọng. Các ngày hội tuyển sinh tuyển dụng lao động quy mô cấp tỉnh được tổ chức thu hút 60-70 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, trên dưới 10 ngàn người quan tâm trong mỗi ngày hội.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được trang bị và đưa vào vận hành tại trung tâm, sàn GDVL. Website vieclamhue.vn là địa chỉ tin cậy của NLĐ và sử dụng lao động, thu hút trên 1 triệu lượt người truy cập mỗi năm.  Fanpage vieclamhue có hàng ngàn người quan tâm và tư vấn online hàng ngày.

Nhất là trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng đơn vị vẫn đáp ứng giải quyết kịp thời chính sách trợ cấp BHTN cho NLĐ mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh. Cao điểm tháng 4/2020 giải quyết kịp thời cho trên 2.000 người thất nghiệp, giúp NLĐ an tâm tìm kiếm việc làm mới để ổn định cuộc sống.

Nhiều năm liên tục, Trung tâm DVVL được UBND tỉnh và Bộ LĐTB&XH tặng Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.

Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, những kết quả đạt được của Trung tâm DVVL khẳng định đúng vai trò, vị trí của trung tâm dịch vụ việc làm công của Nhà nước trong nền kinh tế và thị trường lao động đang phát triển không ngừng.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập cũng là dịp để toàn thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm DVVL nhìn lại và bày tỏ tri ân đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, hợp tác giúp đỡ, để trung tâm có được thành công như ngày hôm nay.

Nguyễn Duy Thông

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International (Humanity & Inclusion) (HI) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp" giai đoạn 2024-2027.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ
Đông Á - Thái Bình Dương trước những thay đổi kinh tế mới:
Vai trò của công nghệ trong tăng trưởng và việc làm

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) từ lâu được xem là ngọn hải đăng của tăng trưởng kinh tế khi liên tục vượt trội hơn nhiều khu vực khác trên thế giới.

Vai trò của công nghệ trong tăng trưởng và việc làm
Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top