ClockThứ Bảy, 30/04/2016 13:44

Dấu ấn của người đứng đầu trong xây dựng quê hương

TTH - Đã qua 41 năm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Nhân dân Thừa Thiên Huế làm sao quên được giờ phút thiêng liêng vào rạng sáng ngày 26/3/1975, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta tung bay trên đỉnh kỳ đài Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Để có được ngày vui toàn thắng ấy, cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế có trên 100.000 người có công với cách mạng; trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương binh, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày…

Đồng chí Vũ Thắng. Ảnh: TL

Chiến tranh qua đi, quân và dân Thừa Thiên Huế lại đối diện với những khó khăn, thách thức trong xây dựng cuộc sống mới. Là vùng đất nghèo chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh lại luôn phải đối đầu với thiên tai khắc nghiệt, những năm đầu sau ngày giải phóng, việc giải quyết chuyện ăn, chuyện ở, đi lại, học hành cứ trong vòng lẩn quẩn. Nhớ về năm tháng ấy mới thấy hết sự chịu đựng vượt qua khốn khó của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế, để ngày hôm nay tỉnh nhà đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh. Huế trở thành thành phố Festival, thành phố văn hoá của ASEAN, thành phố bền vững môi trường của ASEAN …

Nhìn tổng thể bức tranh phát triển của tỉnh hôm nay, cán bộ và Nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương và ghi nhận sự đóng góp sức lực, trí tuệ của người đứng đầu mang dấu ấn khó quên. Người ta nhắc nhiều về đồng chí Vũ Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi quê hương giải phóng, là Bí thư Tỉnh uỷ qua 3 nhiệm kỳ (1983-1996)- một người lãnh đạo gần gũi với cuộc sống của Nhân dân, sâu sát với thực tiễn và có những ý tưởng đột phá làm bật dậy sức sống mới trên quê hương. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dù đã có chủ trương mở cửa nhưng với Thừa Thiên Huế, việc kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư quả là chuyện không dễ dàng gì. Huế là thành phố du lịch vậy mà thời điểm ấy chỉ duy nhất có khách sạn Hương Giang. Muốn đầu tư mở rộng thêm khách sạn Hương Giang 2 cũng phải mất 7 năm sau mới thực hiện được. Khi được tin có Tập đoàn Luks ở Hồng Kông muốn khảo sát đầu tư một nhà máy xi măng ở Thừa Thiên Huế, đồng chí Vũ Thắng là người hăng hái với quyết tâm thực hiện cho bằng được. Trên các bàn nghị sự, đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ rằng, quê mình đang nghèo cho nên phải biết quý trọng những người bỏ công bỏ của cùng mình tính chuyện làm giàu. Mình nghèo thì lấy cái tâm mà đãi. Người ta đến đầu tư thấy mình không mấy nhiệt tình, không chia sẻ thì họ sẽ tìm đi nơi khác… Bây giờ chúng ta hay nghe cụm từ “trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư” nhưng thời điểm ấy, đồng chí Vũ Thắng nói như tâm tình để nhắc nhở cán bộ phải coi trọng công tác kêu gọi đầu tư. Chính quyết tâm đó mà Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đầu tiên có công trình hợp tác đầu tư với nước ngoài sớm nhất. Với tầm nhìn của người đứng đầu là phải biết tạo vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, tiếp sau đó Thừa Thiên Huế có thêm 2 công trình liên doanh, đó là Nhà máy Bia Huế và Khách sạn Century.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Phú Xuân (Phú Vang), sớm theo cách mạng nên khi về quê hương đồng chí Vũ Thắng hiểu sâu sắc cái cơ cực của người dân quê. Đau đáu đến chuyện đổi đời cho người dân vùng đầm phá. Trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy, đồng chí nhấn mạnh đến vấn đề định cư cho người dân vùng đầm phá, tạo việc làm mới cho họ. Những chuyến công tác về cơ sở, đồng chí đặc biệt quan tâm đến hướng đi cho ngư dân trên sông nước. Thảo luận với cán bộ cấp dưới và lãnh đạo các ngành,  chú thường nêu vấn đề một cách giản dị: Trên đất nước ta, có lẽ ít có địa phương nào có địa hình phức tạp như Thừa Thiên Huế. Ngoài núi đồi, sông suối, đồng bằng và biển, Thừa Thiên Huế lại có đến hơn 2 vạn ha mặt nước lợ, lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hàng vạn cư dân sống lênh đênh theo con nước, làm nghề theo đuôi con cá, không màng chuyện học hành cho con cái đời sau, họ là đối tượng thiệt thòi của xã hội. Từ thực tiễn ấy, đồng chí Vũ Thắng chỉ đạo và cũng là giao đơn đặt hàng cho ngành thuỷ sản phải tìm cách định cư và tạo việc làm mới cho người dân. Ông Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thuỷ sản thời ấy đã về cùng ăn, ở với người dân Quảng Công (Quảng Điền) thực hiện thành công nghề nuôi tôm sú trên phá Tam Giang, mở ra hướng đi mới cho cư dân đầm phá nhằm thực hiện công tác định cư lâu dài với hàng nghìn hộ lên đất liền tạo kế sinh nhai, lo chuyện học hành cho con cái. Bám thực tiễn và giải quyết vấn đề từ thực tiễn là phong cách nổi trội của đồng chí Vũ Thắng, để lại những dấu ấn trong lòng dân đến muôn đời sau.

Thừa Thiên Huế có cảng nước sâu Chân Mây mà hôm nay là cảng biển hấp dẫn các tàu du lịch lớn cập bến tạo cho tỉnh thế mạnh về cảng biển du lịch bắt đầu từ trăn trở của người đứng đầu là đồng chí Vũ Thắng. Thuyết phục được các bộ ngành ở Trung ương chuyện không dễ dàng gì để có được bến cảng khi nguồn lực cán bộ khoa học trên địa bàn chưa đáp ứng để có một luận chứng mang tính khoa học. Trách nhiệm và niềm tin, đồng chí đã thuyết phục các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh hoàn thành một đề án mang tính khả thi và nó đã vận hành một cách gian khó qua nhiều năm mới có được như ngày hôm nay với 3 bến cảng đón nhiều loại tàu vào ra, hàng hoá xuất nhập khẩu đa dạng và phong phú. Đi qua các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhớ về sự hình thành của nó, thế hệ đi sau luôn nhớ về hình bóng của đồng chí Vũ Thắng. Đồng chí là người chỉ huy năng động, điều hành linh hoạt các ngành ra quân, xung trận tạo thế mạnh đồng bộ để những công trình sớm trở thành hiện thực. Khe Quao, hồ Truồi, đập Thảo Long, hồ chứa nước Tả Trạch… những công trình mang tính chiến lược giải quyết cơ bản khâu đầu tiên cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà . Tiến sĩ Hồ Ngọc Phú, Giám đốc Sở Thuỷ lợi thời bấy giờ là người “trả bài” cho những vấn đề mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra. Dù có chuyên môn sâu nhưng ông Phú tâm phục khẩu phục về định hướng chỉ đạo của người đứng đầu mang tính khoa học sát với thực tiễn của vùng đất vốn sáng nắng chiều mưa. Ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế nhờ những công trình thuỷ lợi này mà thoát cảnh khô hạn, ngập úng, đi vào thế sản xuất ổn định cho năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Những năm cuối của nhiệm kỳ thứ 3, đồng chí Vũ Thắng tư duy, trăn trở một vấn đề mới mang tính kế thừa: Chọn lọc, đào tạo cán bộ thay thế với quan điểm rằng đã làm cán bộ là phải gần dân, vì dân, miệng nói tay làm. Trên cương vị người đứng đầu tất nhiên đồng chí đã nhắm vào một số cán bộ năng nổ, vậy nhưng chú hay trắc nghiệm cánh báo chí rằng các nhà báo đi nhiều, tiếp xúc, làm việc nhiều với các ngành, các cấp thấy bí thư, chủ tịch huyện nào giỏi, giám đốc sở, ngành nào “làm ăn”được?. Sau này, những người làm báo mới thấy hết tính kỹ càng của đồng chí Vũ Thắng trong công tác chọn cán bộ kế thừa. Suốt 3 nhiệm kỳ trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vũ Thắng để lại trong cán bộ, Nhân dân sự tin yêu, kính trọng với những ấn tượng không thể nào quên. Khi đương chức hay những ngày nghỉ hưu trở về với cuộc sống thường nhật, đồng chí sống chan hoà với mọi người, trả lại hơn 2.000m2 nhà ở trên phố Mai Thúc Loan, dựng căn nhà mới theo tiêu chuẩn trong khu quy hoạch nhà ở cho cán bộ. Bây giờ, đồng chí đã đi xa nhưng hình bóng ấy, con người ấy vẫn lắng lại trong lòng mọi người.

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top