Cách đây 5 năm, tôi có dịp tham gia đoàn Famtrip, khảo sát các điểm đến du lịch ở A Lưới. Lần đầu tiên, tôi được khám phá đồi A Bia nổi tiếng. Đó là một buổi chiều cuối năm, A Lưới mưa nhẹ và rất lạnh. Chúng tôi có cuộc hành trình, bắt đầu từ UBND xã Hồng Bắc đi dọc theo tuyến đường khá rộng dẫn tới chân núi. Từ đây, chinh phục 853 bậc cấp với 1.567m, chúng tôi lên tới đỉnh A Bia, một hành trình ngắn nhưng thử thách bởi những con dốc ngày càng nhiều, ngoằn ngoèo, trơn trợt và độ dốc khủng khiếp. Len lỏi giữa đất đai và cây cỏ, thỉnh thoảng bắt gặp những mảnh bao cát hay đồ nhựa còn lại của lính Mỹ. Dưới những gốc cây còn có cả những đoạn công sự ngày nào. Thỉnh thoảng xuất hiện những biển chỉ dẫn, gợi nhớ về một ký ức xưa…
Bia giới thiệu giá trị di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia. Ảnh: Huyện A Lưới cung cấp
Ngày 10/5/1969, dọc biên giới Việt - Lào diễn ra nhiều trận chiến đẫm máu. Sư đoàn không vận 101 nổi tiếng của Mỹ tấn công các đơn vị của ta và đồi A Bia, còn gọi là đồi 937, đi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục và được họ gọi bằng cái tên đầy hãi hùng: “đồi Thịt Băm” (Hamburger Hill). Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam là để thăm ngọn đồi này. Tôi được biết, A Bia là một trong 33 di tích lịch sử cách mạng, trong đó 11 điểm di tích lịch sử cách mạng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh của A Lưới, như: Di tích Dốc Mèo, di tích đường 71, 72, 73, 74; địa đạo Động So - A Túc, động Tiên Công, địa đạo A Đon, xã Hồng Quảng...
Di tích Đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt; 11 di tích khác cũng được xếp hạng di tích quốc gia và 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tại các điểm đến là di tích lịch sử cách mạng đều có phương án bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp để quản lý và khai thác thật khoa học, hiệu quả giá trị lịch sử. Năm 2014, huyện A Lưới tranh thủ nguồn lực để đầu tư, tôn tạo đồi A Bia và đã xây dựng ở đây Nhà trưng bày di tích lịch sử cách mạng đồi A Bia. Điểm di tích Sân bay A So được quy hoạch để xây dựng Khu chứng tích chất độc hóa học Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tại Trung tâm văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới cũng đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật, kỷ vật chiến tranh.
Nhớ hôm ngồi ở đỉnh đồi A Bia, nhiều người trong chúng tôi đã khóc khi nghe kể về những gì lính Mỹ đã làm với chiến sĩ du kích Cu Lọi khi trận đánh kết thúc. Anh Cu Lọi tham gia đánh căn cứ A Bia, nhận nhiệm vụ ở lại cản chân quân Mỹ để đồng đội rút lui. Cu Lọi hy sinh, lính Mỹ đã lấy xác anh, chặt đầu cắm lên cọc, băm thi thể ra từng mảnh vụn rải khắp ngọn đồi. Một hướng dẫn viên địa phương đã bảo rằng, nếu người Mỹ bảo A Bia là “đồi Thịt Băm” thì bà con Pa Cô gọi đó là “đồi Băm” (băm xác) để khắc ghi trong tim mình sự hy sinh anh dũng của anh Cu Lọi. Đến với các di tích lịch sử cách mạng, không chỉ để nhìn và trải nghiệm mà hơn thế, còn để lắng nghe những câu chuyện kể về những con người như Cu Lọi.
A Lưới lâu nay là điểm đến “khác biệt” của du lịch Thừa Thiên Huế. Cùng với ẩm thực, văn hóa tộc người… những di tích lịch sử cách mạng dày đặc và rất hấp dẫn kia chính là nhân tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sự “khác biệt” đó. Những năm qua, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch được mở ra và điểm đến là những di tích lịch sử cách mạng ở A Lưới được chú ý truyền thông, quảng bá, giới thiệu. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan. Tôi nghĩ, đó là những nỗ lực nhằm khai thác có hiệu quả sự “khác biệt” hấp dẫn của du lịch A Lưới nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Đan Duy