Thu nhập từ XKLĐ lo cho con ăn học và sắm được nhiều tài sản có giá trị
Quầy hàng tạp hóa của chị Hồ Thị Khay đầu thôn A Năm, lúc nào cũng phong phú, đầy đủ các mặt hàng, thu hút khách. Từ ngày quầy hàng tạp hóa này được mở, không những người dân trong thôn thuận tiện trong việc mua bán, mà kinh tế gia đình của chị Khay ngày càng phát triển.
Chị Hồ Thị Nguyệt, công chức văn hóa- xã hội xã Hồng Vân cho biết, cách đây mấy năm, nhà chị Khay thuộc diện hộ nghèo. Khi được tuyên truyền và vận động đi XKLĐ, chị Khay đã mạnh dạn đi theo đơn hàng giúp việc (đi miễn phí), sau khi trừ chi phí sinh hoạt, lương mỗi tháng 9 triệu đồng. Sau khi kết thúc hợp đồng, chị Khay trở về quê nhà, mở được quầy hàng tạp hóa và còn “dư” 200 triệu đồng. Chị Khay phấn khởi, “con đường” XKLĐ là lựa chọn hết sức đúng đắn để có cơ hội kiếm tiền, tích lũy vốn, phát triển kinh tế.
Cùng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, trường hợp thực tế như hộ chị Khay chính là “vận động” hiệu quả. Nhiều gia đình thuộc diện khó khăn trên địa bàn đã quyết định ủng hộ để người thân XKLĐ. “Chị Bùi Thị Hằng, anh Lê Văn Đua XKLĐ sang Đài Loan. Anh Hoàng A Xít đi Nhật. Anh Hồ Văn Níu đi Ru Ma Ni. Họ XKLĐ theo các đơn hàng xây dựng, làm việc trong các công ty điện tử… Thu nhập của mỗi người tùy theo công việc. Hàng tháng họ gửi về cho gia đình dao động từ 15- 20 triệu đồng”. Chị Hồ Thị Nguyệt cho biết.
Những công dân trên địa bàn xã Hồng Vân sau khi XKLĐ, thời gian đầu, hàng tháng thường gửi tiền về thông qua chị Nguyệt, nhờ trả nợ ngân hàng giúp. Khi nợ ngân hàng (để lo chi phí XKLĐ) đã trả hết, người XKLĐ mới gửi tiền trực tiếp về cho gia đình, để người thân sửa chữa, xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế. Anh Hồ A Xít (thôn A Năm) đã XKLĐ qua Nhật gần 1 năm. Chưa có vợ con, nên số tiền hàng tháng từ 15-20 triệu đồng gửi về, cha mẹ anh Xít tiết kiệm lại để xây dựng nhà và tích lũy, sau này anh Xít trở về có vốn làm ăn.
Sau hơn 2 năm Hằng (thôn Talo hố) XKLĐ (hợp đồng 3 năm), gia đình chị đã sửa sang nhà cửa khang trang. Bây giờ, tiền kiếm được, hàng tháng chị Hằng gửi về tiết kiệm, tích lũy, với dự định sau này sẽ đầu tư vào việc trồng keo, tràm, vươn lên làm giàu bền vững. Từ số tiền người chồng đi XKLĐ gửi về, vợ anh Kia (thôn Kê) đã cải tạo vườn, xây hàng rào, trồng chuối, trồng keo. Còn người thân anh Đua thì bày tỏ sự yên tâm, khi số tiền anh Đua XKLĐ kiếm được, nay dùng vào việc lo cho hai người con đang học cao đẳng, được tiếp tục “theo con chữ”, có kiến thức, là cái vốn vững vàng để sau này có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, mưu sinh, ổn định cuộc sống.
Tháng 11 và tháng 12/2020, các bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Hoa và Nguyễn Thị Thu Hòa đã “bay” sang Nhật theo diện vừa học, vừa làm. Dù mới sang, nhưng Hoa đã nỗ lực, gửi về cho gia đình 24 triệu đồng/tháng. Ở vùng có dịch, việc làm khó khăn hơn, nhưng số tiền 10-15 triệu đồng mà Hòa gửi về cũng rất lớn so với việc mưu sinh tại quê nhà. Các bạn trẻ này đang cố gắng để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế và chuẩn bị cho mình một tương lai chắc chắn.
“Làm tốt công tác XKLĐ như xã Hồng Vân là điều rất đáng mừng. Đây là cách xóa nghèo, phát triển bền vững đối với từng hộ gia đình, đồng thời đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh