ClockThứ Sáu, 21/06/2024 06:59

Điều nhà báo cần học chính là công nghệ

TTH - Cách nay gần 30 năm, tôi được Tổng Biên tập cử ra Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII. Báo Thừa Thiên Huế bấy giờ mới được trang bị 2 chiếc máy di động cho Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập theo kiểu “di động công vụ”. Trước ngày lên đường, Tổng Biên tập bảo tôi xuống mượn chiếc di động của đồng chí phó mang theo để tiện liên lạc với Tòa soạn. Tôi lớ ngớ làm theo, ai ngờ bị mắng cho một trận, ai đời lại cầm di động của người khác, lạ thế! Đó cũng là thời điểm mà công nghệ làm báo đã bắt đầu có những đổi thay và từng bước xâm nhập vào báo địa phương.

Tôn vinh những nỗ lực của người làm báo​Khai mạc Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ 10 năm 2024

 Mô hình tòa soạn hội tụ và báo chí đa phương tiện đang là mục tiêu hướng tới của các cơ quan báo chí. Ảnh: D. Trương

Tôi ra Hà Nội. Việc đầu tiên là tập hợp tư liệu “mần bài” về không khí trước thềm Đại hội, rồi nhanh chóng chuyển fax về Tòa soạn, một công nghệ mới lúc đó. Sau đó cứ thế mà làm, viết bài rồi chuyển fax hằng ngày. Gần tới ngày kết thúc Đại hội, tôi nhận được lệnh phải kiếm cho bằng được hình của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mới được trúng cử để mang vào, kịp in số báo gần nhất. Để thực hiện nhiệm vụ này, tôi được đồng chí Tổng Biên tập “đặc cách” cho phép trở vào Huế bằng máy bay. Thật là một chuyến công tác nhớ đời.      

Lại nhớ, hơn 20 năm trước, tôi được cơ quan cử đi Hà Nội tham gia lớp tập huấn về kỹ năng làm báo hiện đại do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tổ chức. Trong lịch trình học tập, chúng tôi được tham quan Tòa soạn Báo Lao Động. Điều khiến tôi ngạc nhiên là, Báo Lao Động bấy giờ đã là “tòa soạn không giấy”. Nghĩa là cả quy trình làm báo, phóng viên viết bài không gửi về tòa soạn bằng bài viết trên giấy, biên tập viên rồi các quy trình tiếp theo cũng vì thế nên chẳng dùng bút mà tất tần tật đều… xử lý trên máy vi tính.

Tôi được giới thiệu những chiếc tủ lớn, có nhiều hộc. Mỗi phóng viên có một chiếc hộc cho riêng mình. Họ nộp bài và cả ảnh chụp được ghi trong những chiếc USB hay đĩa CD. Biên tập viên cứ thế lấy ra để biên tập và quy trình ra báo cứ thế mà làm cho tới khi báo được in xong và phát hành. Tôi cứ mãi ấn tượng về mô hình “Tòa soạn không giấy” kia và câu nói của vị chuyên gia Thụy Điển và cũng là thầy giáo của chúng tôi, rằng để ra phát hành tờ báo ở Hà Nội, phóng viên có thể tác nghiệp tận Singapore và tòa soạn đặt ở Sài Gòn. Nghe và tưởng tượng, cứ như mình đang mơ.

Tôi kể lại 2 câu chuyện trên là có ý so sánh, đã có một cuộc cách mạng thực sự trong công nghệ làm báo trong thời gian gần đây. Nói một cách hình ảnh, thay cho chiếc máy ảnh chụp bằng phim là máy ảnh kỹ thuật số, có thể chụp ảnh thoải mái bởi không mất tiền rửa ảnh và có thể chuyển đi cho bất kỳ ai và đến bất kể nơi nào một cách nhanh chóng. Thay cho những bài viết chép tay là việc tác nghiệp ngay trên máy tính xách tay và kết thúc bằng cú “enter”. Giấc mơ kiểu “Tòa soạn không giấy” năm nào bắt gặp ở Tòa soạn Báo Lao Động, giờ đây cũng đã trở nên… lỗi thời khi chẳng còn thấy ai sử dụng chiếc USB làm công cụ chính.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng internet đã và đang tạo áp lực cho người làm báo và các cơ quan báo chí, đặc biệt là về tốc độ đưa tin. Đâu xa, những gì đã diễn ra trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 vừa diễn ra cũng đã cho thấy một cuộc chạy đua không chỉ giữa các cơ quan báo chí mà còn giữa truyền thông chính thống với mạng xã hội, với những tiêu chí ngày càng đang được định hình rõ. Đó là nhanh, đẹp và nội dung sâu sắc với những phản ánh mang tính toàn diện trên nhiều phương tiện và hình thức chuyển tải khác nhau.

Mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện đang là mục tiêu hướng tới của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thừa Thiên Huế. Đó là mô hình tòa soạn hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí truyền thông đa phương tiện đang là một xu thế mới. Đó là sự kết hợp của các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan báo chí, thậm chí trong cùng một sản phẩm báo chí.

Để phù hợp với môi trường của thời đại số, báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin để khẳng định. Những người làm báo cần có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp và điều họ cần học chính là công nghệ. Người làm báo không chỉ đơn thuần là người viết, người chụp ảnh, người quay phim, hay người làm họa sĩ thiết kế… Đây chính là thách thức lớn nhất. Các cơ quan báo chí cần có đội ngũ chuyên nghiệp và có trình độ, ngoài năng lực tốt về chuyên môn là thế mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho công việc.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố báo cáo “Tương lai của năng lượng địa nhiệt” cho hay, trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng mạnh, các công nghệ mới đang mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt để cung cấp năng lượng sạch 24/7 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt
Kết nối, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Đó là nội dung của hội nghị do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN tổ chức, giới thiệu và chuyển giao đến các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vào chiều 9/12.

Kết nối, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

TIN MỚI

Return to top