Thứ Năm, 25/08/2016 20:33
(GMT+7)
Đổi mới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm
TTH - Sáng 25/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cùng với lãnh đạo các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động”.
Để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời trực tiếp giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tuyến này với mong muốn gửi đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc đào đạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, giúp người lao động tìm việc làm, ổn định đời sống.
Trên tinh thần trao đổi, cầu thị và hết sức trách nhiệm, sau hơn 2 giờ đối thoại, gần 100 câu hỏi, kiến nghị của công dân và doanh nghiệp liên quan đào đạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các ngành tập trung rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà bạn đọc quan tâm đã nêu ra và gửi đến chương trình đối thoại; đồng thời thực hiện đổi mới việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2020 nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao. Đồng thời có định hướng phù hợp về chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề... nâng số lượng người lao động được giải quyết việc làm ngày càng cao.
Trần Dương