|
Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp |
Cách làm mới
Diễn đàn “Cảm ơn người lao động và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn cơ sở” được Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp (KTCN) tỉnh tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, được xem như sợi dây thắt chặt tình đoàn kết giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (DN).
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các DN, đại diện các đơn vị công đoàn đã thông tin đến NLĐ những thuận lợi, khó khăn, thách thức của các DN hiện nay. Các DN cũng chia sẻ nỗ lực điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập, phúc lợi ổn định, cũng như tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Các DN khẳng định NLĐ là tài sản quý giá trong sự phát triển của DN.
Nhiệm vụ của DN là phải bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Trong khi đó, NLĐ cũng nguyện đồng sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả từng công đoạn sản xuất. Khép lại chương trình, 130 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng được các DN và Công đoàn Khu KTCN tỉnh trao tặng cho những lao động tiêu biểu, như một lời tri ân đoàn viên, NLĐ.
Anh Nguyễn Văn Long, công nhân Công ty CP Tài Phát, khu công nghiệp Phú Bài chia sẻ: “Khi nghe giám đốc công ty chia sẻ tận dụng mọi khả năng để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ tại diễn đàn, cộng với thực tế tại công ty, tôi hiểu ra, ban giám đốc cũng có những khó khăn, trọng trách riêng. Bản thân tôi thấy may mắn vẫn có việc làm và thu nhập nên toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ của mình”.
Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu KTCN tỉnh cho biết, có những thời điểm khó khăn, để tạo việc làm cho NLĐ có thu nhập ổn định là việc không hề dễ đối với DN. Về phía NLĐ, thu nhập giảm, việc làm thiếu ổn định, nhưng NLĐ vẫn luôn gắn bó, chia sẻ khó khăn với mong muốn DN sớm ổn định và phát triển. Sự chia sẻ, đồng lòng, đoàn kết cùng đưa DN vượt qua khó khăn, đó chính là chất xúc tác, xác định giữa DN và NLĐ có mối quan hệ "cộng sinh" giúp nhau cùng tồn tại và phát triển.
Hội thi “Tay nghề giỏi” được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Hương Trà tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, thu hút nhiều đoàn viên, NLĐ tham gia. Chị Hà Thị Xuyến, công nhân Công ty CP Da giày Huế cho biết, chị tham gia hội thi “Tay nghề giỏi” để xác định tay nghề bản thân, từ đó phấn đấu, rèn luyện thêm.
Theo chị Hồ Thị Linh, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hương Trà, hội thi là cơ hội để đoàn viên, NLĐ cọ xát với những thử thách tay nghề, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Cụ thể hóa để thực hiện
Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 80 nghìn đoàn viên công đoàn trong tổng số hơn 84 nghìn công nhân, viên chức, NLĐ. Ngay khi Nghị quyết 02 được ban hành, kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 02 cũng ra đời. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh triển khai ngay về các cấp công đoàn cơ sở.
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, qua ba năm thực hiện Nghị quyết 02, các cấp công đoàn đã tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, NLĐ. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã chú trọng, tập trung huy động nguồn lực, chăm lo cho công nhân lao động trực tiếp sản xuất.
Mỗi năm, LĐLĐ tỉnh triển khai hàng chục lớp tuyên truyền miệng về văn hóa cơ sở, phòng, chống tín dụng đen tại các khu công nghiệp, phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao… Ngoài tuyên truyền theo hình thức truyền thống, các cấp công đoàn chú trọng ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để bảo đảm thông tin chỉ đạo hoạt động công đoàn nhanh, liên tục từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Hiện tại, LĐLĐ tỉnh có 987 facebook, fanpage, 1.238 nhóm zalo của các cấp công đoàn.
Các cấp công đoàn tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết 02, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác năm. “Tùy từng lĩnh vực, các công đoàn có những cách làm riêng, phù hợp để mang lại hiệu quả nhất có thể”, bà Trần Thị Minh Nguyệt thông tin.