|
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan về việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa VIII |
Vì mục tiêu chung của tỉnh
Trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác giảm nghèo tại huyện A Lưới đặc biệt được chú trọng. Khi mà cả tỉnh dồn lực cho A Lưới giảm nghèo thì việc triển khai giám sát các hoạt động, dự án giảm nghèo cũng được quan tâm.
Theo Thường trực HĐND huyện A Lưới, thời gian qua, HĐND huyện đã dành nhiều thời gian kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện; riêng năm 2023 đã thực hiện giám sát chuyên đề công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn huyện tại 10 xã, 1 đơn vị.
Công tác giám sát tại các địa phương được tiến hành định kỳ theo quy định hàng năm, nhằm kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch theo lộ trình đề ra. Đáng chú ý, năm 2023, Thường trực HĐND huyện A Lưới đã tổ chức kỳ họp chuyên đề để ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương tạm ứng kinh phí từ ngân sách huyện để thực hiện dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới năm 2022.
Thông qua công tác giám sát của HĐND huyện A Lưới cho thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội. Hạ tầng nông thôn đã được đầu tư tương đối đầy đủ, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang và xu hướng tiến tới xây dựng nông thôn mới. Các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo đã được quan tâm thực hiện.
Cùng với công tác giảm nghèo ở A Lưới, việc triển khai các chương trình trọng điểm cũng đóng vai trò then chốt, tạo diện mạo mới, sức bật mới cho thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
TP. Huế là một trong những địa bàn trọng tâm của các chương trình trọng điểm. Kết quả triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn thành phố đóng vai trò không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo của Huế nói riêng và cả tỉnh nói chung. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các dự án trọng điểm được HĐND TP. Huế cân nhắc và thực hiện nghiêm túc.
|
Hạ tầng giao thông nông thôn vùng khó khăn ngày càng khởi sắc |
Còn nhớ, tại Kỳ họp lần thứ 5, HĐND TP. Huế Khóa XIII cuối năm 2022, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với 6 chương trình trọng điểm và 9 dự án, công trình trọng điểm.
Đánh giá được tầm quan trọng của các dự án cũng như ảnh hưởng của dự án đến tiến trình chung của tỉnh, Thường trực và các Ban HĐND thành phố đã thường xuyên theo dõi, dự nhiều cuộc họp của UBND thành phố, làm việc với các phòng, ban, đơn vị, phường, xã liên quan theo tiến độ triển khai các dự án. Riêng đối với dự án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức đoàn giám sát chuyên đề tại các phường chịu ảnh hưởng, làm việc với các phòng, ban có liên quan.
Qua giám sát các kiến nghị, đề xuất của đoàn cũng như các phòng, ban đã được UBND thành phố tiếp thu và kiến nghị tỉnh trình Chính phủ sửa đổi khung chính sách 3 lần, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa, đền bù, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trong quá trình giám sát, HĐND thành phố đã phát hiện một số vướng mắc cũng như khó khăn, sai sót cần tháo gỡ nên đã chủ động đề xuất với các ban, Thường trực HĐND tỉnh và đã được quan tâm, giải quyết, tạo điều kiện cho thành phố đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Đối với các dự án giải phóng mặt bằng, dự án đầu tư tạo nguồn quỹ đất, các dự án quy hoạch phân khu… là việc hết sức quan trọng, quyết định tiến độ triển khai của các dự án, công tác đầu tư xây dựng của các phường, xã, đặc biệt là các phường, xã mới sáp nhập vào thành phố, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân… đã được Thường trực HĐND thành phố cùng Ban kinh tế - xã hội giám sát kỹ tại các kỳ thẩm tra trước các kỳ họp.
|
Công tác giảm nghèo ở huyện A Lưới đang được đặc biệt quan tâm |
Phù hợp với thực tiễn
Cùng với HĐND cấp huyện, hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trong thời gian qua đảm bảo theo kế hoạch, nội dung giám sát tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Công tác chuẩn bị tổ chức giám sát được thực hiện nghiêm túc, báo cáo kết quả giám sát phản ánh rõ nét kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục.
Dù vậy, thực tế hiện nay phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động giám sát của các cấp còn tồn tại nhiều hạn chế. Các tổ đại biểu HĐND vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề. Việc theo dõi kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thường xuyên, liên tục; các đơn vị, địa phương chịu sự giám sát khắc phục những kiến nghị của đoàn giám sát chưa kịp thời.
Một số HĐND cấp huyện vẫn chưa xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát hàng năm theo quy định; chưa có sự phân công trách nhiệm cụ thể, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện; việc giám sát chuyên đề vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng…
Nguyên nhân chủ yếu do các tổ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề; các thành viên trong tổ đảm nhận nhiều vị trí và địa bàn công tác khác nhau, do đó việc triển khai các nhiệm vụ, công việc cụ thể cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Thường trực HĐND huyện Phú Lộc, để có những cuộc giám sát đảm bảo chất lượng thì trước hết phải lựa chọn thời gian tiến hành phù hợp, thuận lợi cho cả đoàn giám sát và cơ quan, đơn vị được giám sát. Do đó, phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, từ việc xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị đến tổ chức đoàn giám sát, khảo sát chất lượng, tránh rườm rà, gây khó khăn cho đơn vị; đổi mới việc lập kế hoạch, thời gian, các điều kiện khác phục vụ hoạt động giám sát linh hoạt, hiệu quả. Tùy theo từng nội dung giám sát, có thể mời một số lãnh đạo của các đơn vị chuyên môn am hiểu sâu, rộng, lĩnh vực công tác cụ thể liên quan đến nội dung giám sát tham gia cùng các đoàn giám sát của thường trực, các ban HĐND để nâng cao chất lượng trong giám sát.
Trong hoạt động giám sát, ngoài những lĩnh vực trọng tâm thì đáp ứng niềm mong mỏi của cử tri là điều quan trọng. Đối với công tác giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cần rà soát phân loại nhóm các ý kiến, kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời; chưa được giải quyết, trả lời; trả lời không đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của UBND cùng cấp... Nội dung giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã thỏa đáng hay không. Các nội dung giải quyết, trả lời của ngành chức năng, cử tri có đồng tình không? Nếu cử tri không đồng tình, lý do tại sao?... Đồng thời, theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của HĐND sau giám sát.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, năm 2024, thực hiện tốt các hoạt động giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, HĐND tỉnh tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động tổ chức các kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, thường trực HĐND, các ban HĐND theo quy định của Luật và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, đặc biệt tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các nghị quyết; kết luận, kiến nghị sau giám sát, lời hứa sau chất vấn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động của tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, trong hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND.