Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS ở A Lưới ngày càng nâng cao
Nâng cao đời sống
Anh Hồ Văn Lợi (đồng bào dân tộc Pa Cô ở thôn Loah – Ta Vai, xã Đông Sơn) là một trong các hộ dân vươn lên làm giàu từ mô hình sản xuất được các ban, ngành hỗ trợ.
Sau khi được vay ưu đãi nguồn vốn 50 triệu đồng và được hỗ trợ cây, con giống từ CT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, anh Lợi mạnh dạn huy động thêm vốn, đầu tư mô hình kết hợp trồng rừng, nuôi bò đàn và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Quy trình sản xuất, hạch toán kinh doanh được cán bộ hội nông dân và khuyến nông viên hướng dẫn đầy đủ nên mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Đông Sơn là địa bàn biên giới có 100% đồng bào DTTS. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên rà soát các chủ trương, chính sách nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, đồng thời lồng ghép vào các CT trọng điểm về phát triển KT-XH của địa phương; nhất là CT hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ phát triển SXKD cho đồng bào DTTS. Từ địa phương trước đây có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 35%, qua triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, miền núi, đến nay số hộ làm ăn khấm khá ở Đông Sơn tăng lên đáng kể.
Ngoài gia đình anh Hồ Văn Lợi, tại địa phương có hàng chục hộ (Hồ Văn Tua, Hồ Văn Tình, Hồ Thị Lành, Hồ Văn Tanh…), mỗi gia đình trồng vài ha rừng, chăn nuôi gia súc, mở rộng kinh doanh và làm thêm nghề thủ công truyền thống, góp phần giảm 7% hộ nghèo của xã so với năm 2017.
Triển khai chính sách đến người dân
A Lưới có 5 DTTS bao gồm Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và Vân Kiều. Hỗ trợ đồng bào, UBND tỉnh có Quyết định số 3051 về việc phê duyệt dự án xoá nhà tạm cho các hộ nghèo huyện A Lưới. Từ đó đến nay, toàn huyện đã xây được 2.663 ngôi nhà mới cho các hộ đồng bào có nơi ở ổn định. UBND huyện đã tiến hành giao đất cho các hộ dân trồng mới hơn 6.000ha rừng, hoàn thành cấp 9.496 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào 20 xã, thị trấn; giải quyết đất sản xuất cho 1.627 hộ với diện tích 212ha khai hoang; thực hiện hoàn thành 11 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới Hồ Viết Ái cho hay: Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các Chương trình 135, 160... đã tạo được bộ mặt nông thôn mới cho huyện miền núi này. Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp được ưu tiên đến hộ đồng bào DTTS, đảm bảo 100% hộ đồng bào DTTS được bố trí đất ở, đất sản xuất.
Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào nghèo, huyện A Lưới đã tiến hành hỗ trợ trên 35,80 tấn giống lúa; 1,25 tấn ngô; trên 19.000 cây ăn quả; 63.000 cây công nghiệp; 300.000 cây lâm nghiệp; hỗ trợ 28.600 con gia súc, 386.000 con cá giống; đồng thời, hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất như: máy cày, máy tuốt lúa… với kinh phí 8,7 tỷ đồng. Huyện đầu tư hơn 54 tỷ đồng cho hàng chục công trình hạ tầng xây mới và nâng cấp 15 trường học, 11 trạm y tế, 15 công trình phụ trợ và 14km đường giao thông.Các thôn, bản đều có đường giao thông đi lại thuận lợi, hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn được nhựa hóa...
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành huyện đặc biệt quan tâm, nên đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao. Huyện đã phấn đấu thực hiện tốt chính sách miễn giảm viện phí khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS, cơ sở y tế được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao. Học sinh là con em đồng bào nghèo được hỗ trợ đúng chế độ, góp phần nâng tỷ lệ học sinh huy động đến trường đạt trên 90%.
Cùng với các chính sách đầu tư trên địa bàn, việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, tạo cho KT-XH của huyện A Lưới có bước chuyển tích cực. Người dân Pa Cô, Ka Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều được học hành, đào tạo. Không ít chàng trai, cô gái ở bản, làng đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, những cán bộ của tỉnh, huyện, xã...
Bài, ảnh: BÁ TRÍ