Đường Phan Chu Trinh xuống cấp trầm trọng đang được ngành giao thông khắc phục
Hàng chục tuyến đường hư hỏng
Sau mưa lũ, đường Tôn Thất Thiệp (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến Thái Phiên) thuộc phường Tây Lộc, TP. Huế hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà.
Ông Huỳnh Tấn Thuận, trú tại 97A Tôn Thất Thiệp cho biết, tuyến đường trên được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 3 năm trước. Do đường không có hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa lũ lại ngập cục bộ ở một số vị trí nên nhanh xuống cấp. Mặt đường từ đầu mùa mưa đã bị bong tróc. Ngành giao thông cho vá lại bằng xi măng và đá dăm, nhưng không chịu nổi nước mưa ứ đọng và xe cộ đi lại. Sau đợt mưa lũ kéo dài vào dịp cuối năm 2016, mặt đường càng trở nên nham nhở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên đoạn đường này. Tết Nguyên đán sắp đến, người dân rất nôn nóng mong ngành giao thông sớm khắc phục để việc đi lại được thuận tiện.
Đường Tôn Thất Thiệp hư hỏng nặng sau mưa lũ
Trên phạm vi toàn tỉnh, mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng đối với ngành giao thông. Theo số liệu thống kê, trong số 22 tuyến tỉnh lộ, hầu hết đều hư hỏng mặt và lề đường, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là thời điểm UBND TP. Huế triển khai thi công Dự án “Cải thiện môi trường nước giai đoạn 1”. Mặt đường bị đào bới để phục vụ dự án cộng với mưa lũ kéo dài nên nhiều tuyến đường phía nam của thành phố xuống cấp trầm trọng, cần ưu tiên sửa chữa khẩn cấp như đường Đặng Huy Trứ, Hàm Nghi, Phan Bội Châu, Xuân Diệu…Các tuyến đường không triển khai dự án cũng hư hỏng nặng do mưa kéo dài như: Thanh Hải, Tam Thai, Nam Giao, Trần Phú, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Thánh Gióng, La Sơn Phu Tử, Trần Nguyên Đán, Trần Thái Tông...
Ra quân dập, vá ổ voi, ổ gà
Theo lãnh đạo Phòng An toàn và Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải, hàng năm, công tác tuần tra, phát hiện hư hỏng trên các tuyến đường để kịp thời sửa chữa được phối hợp tổ chức thường xuyên. Trước mùa mưa bão, các tuyến đường do sở quản lý không có hiện tượng ổ gà, ổ voi, đảm bảo êm thuận cho lưu thông. Sau đợt mưa lũ vừa qua, các tuyến đường hư hỏng nặng, thời tiết bất lợi nên không thể duy tu, sửa chữa kịp. Trong khi kinh phí bảo trì đường bộ còn hạn chế, cần sự bổ sung kinh phí của tỉnh, Trung ương.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, mưa lũ cuối năm 2016 gây tổng thiệt hại về giao thông trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 243 tỷ đồng. Trong đó, 5 tuyến tỉnh lộ bị hư hỏng nặng nhất cần tập trung nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông là: Tỉnh lộ 8B, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 10A, Tỉnh lộ 7 và Tỉnh lộ 15 với tổng kinh phí khoảng 64 tỷ đồng. Hiện các tuyến Quốc lộ 1A, 49A, 49B, đường Hồ Chí Minh đã được thực hiện duy tu, bảo dưỡng. Riêng 9 huyện, thị xã, TP. Huế đã và đang thi công duy tu, bảo dưỡng mặt và lề đường một số tuyến.
|
Sau các đợt mưa lụt, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phải đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong dịp Tết Nguyên đán. Đối với các đường Trung ương ủy thác và các đường tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán, Phòng An toàn và Quản lý giao thông cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, sửa chữa hư hỏng kịp thời. Các đơn vị quản lý đường bộ đồng loạt ra quân dập ổ gà, ổ voi trên mặt đường. Khi thời tiết thuận lợi phải vá ổ gà, ổ voi bằng những nguyên vật liệu như hiện trạng mặt đường. Khi thời tiết không thuận lợi phải vá đường hư hỏng bằng vật liệu cấp phối đá dăm. Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A, 49A, 49B, đường Hồ Chí Minh, sở đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ 2, nhà thầu Trùng Phương đảm bảo mặt đường sạch, an toàn trước dịp Tết.
Đối với các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế ảnh hưởng do dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế thi công chậm, chưa hoàn trả mặt bằng, không đảm bảo an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã có 2 công văn đề nghị UBND TP. Huế, Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn trả mặt bằng như ban đầu. Sở Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 2136 đề nghị UBND TP. Huế, Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước chỉ đạo các nhà thầu tạo mặt đường, phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý những vị trí ùn tắc do thi công; tranh thủ tối đa thời tiết nắng ráo đẩy nhanh tiến độ hoàn trả mặt đường như nguyên trạng, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết.
Còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay vẫn còn nhiều tuyến đường, đặc biệt là trên địa bàn TP. Huế xuống cấp, ngành giao thông tỉnh và các địa phương cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ duy tu, bảo dưỡng, hoàn trả mặt bằng (dù là tạm thời) để người dân đi lại thuận lợi, tránh nguy cơ tai nạn giao thông. Trong đó, địa bàn TP. Huế cần ưu tiên sửa chữa, bởi lượng phương tiện giao thông sẽ tăng đột biến trong dịp Tết.
Bải, ảnh: Hải Huế
Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:
Đảm bảo thuận lợi để người dân đi lại trong dịp Tết
Với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành giao thông đã tăng cường công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Các điểm ách tắc, nguy hiểm được giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Công tác duy tu, bảo dưỡng được làm thường xuyên, tập trung nhiều hơn vào dịp trước Tết, nhất là những tuyến lưu lượng giao thông lớn.
Tranh thủ thời tiết đã nắng ráo, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực, ra quân đồng loạt sửa chữa những đoạn hư hỏng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết. Ra Tết, sẽ bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa những đoạn hư hỏng nặng, trả lại hiện trạng ban đầu.
THANH HẢI (ghi)
|