|
Cầu Nhật Tân mới xây dựng hiện đại. Ảnh: Trần Hải
|
Thành phố vì hòa bình
Cuộc trung hưng Thăng Long - Hà Nội trong thời hiện đại có thể tính điểm mốc bắt đầu từ khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đập tan gông xiềng của thực dân phong kiến. Nhưng phải đến một buổi chiều mùa thu sau Ngày Độc lập chín năm, ngày 10/10/1954, hàng vạn Nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, công cuộc đó mới thực sự được bắt đầu trên thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào Hà Nội với niềm tin tưởng vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Sang những năm đổi mới, công cuộc phục hưng của Thăng Long - Hà Nội càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Hà Nội đã trở thành Thành phố vì hòa bình, và đang phấn đấu để Thủ đô là thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Khác với các đô thị được quy hoạch bởi ý chí của con người, Thăng Long - Hà Nội dựa nhiều vào những yếu tố “địa lợi” để phát triển đô thị. Diện mạo đô thị Thăng Long - Hà Nội thể hiện sự thích ứng tối đa với những lợi thế của địa hình tự nhiên. Những “đường biên giới thiên nhiên” của Thăng Long - Hà Nội tương đối rõ. Hệ thống sông, hồ (sông Hồng - Tô Lịch; Kim Ngưu - Hồ Tây) vạch nên hình thể đô thị. Những đường sông này được tận dụng như những đoạn hào bảo vệ hoàng thành nhưng cũng là những con đường giao thông, giao thương thuận tiện và sầm uất. Hệ thống đường sông góp một phần quan trọng để Thăng Long - Hà Nội trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Bắc, duy trì mối liên hệ (không chỉ về kinh tế) giữa Thăng Long - Hà Nội với các nơi.
Câu quen thuộc để mô tả cảnh nhộn nhịp ở Kinh kỳ - Kẻ chợ là Trên bến dưới thuyền. Thăng Long - Hà Nội có nhiều địa danh bến: bến Hà Khẩu, bến Đại Thông, bến Giang Tân, bến Thái Cực, bến Đông Bộ Đầu, bến Đông Tân, bến Tây Long… Số tên cầu, tên cống ở Hà Nội xưa cũng nhiều không kém: cầu Đông, cầu Thái Hòa, cầu Nhân Mục, cầu Dừa, cầu Dền, cống Cót, cống Mọc…
Hệ thống sông ở Thăng Long - Hà Nội mang trong mình một kho huyền thoại / lịch sử lung linh huyền ảo. Cuộc định đô xác lập vị thế Thăng Long cũng từ đường sông, từ bến sông. Và Rồng vàng đã bay lên để thành tên kinh - đô / cảng - thị. Sông Kim Ngưu gắn liền với huyền tích vị thiền sư tài giỏi Minh Không. Đầm Mực nằm trong vùng trũng đổi dòng của sông Tô, nhớ hai anh em con của thủy thần, là học trò của thầy Chu Văn An, đã xả thân gọi mưa lấy nước chống hạn cho dân. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đầm Mực lại là mồ chôn quân Thanh xâm lược cùng với sóng sông Hồng nhấn chìm không biết bao nhiêu quân sĩ của Tôn Sĩ Nghị khi bị chủ tướng chặt cầu phao trên đường chạy trốn. Và còn phải kể đến bao nhiêu những đền miếu dọc những dòng sông Hà Nội. Mỗi di tích đều chứa hình bóng mờ ảo của thần linh qua những câu chuyện dân gian truyền tụng: Hoàng tử Linh Lang được thờ ở đền Voi Phục có nguồn gốc giao long, góp công giúp vua đánh giặc; ông Dầu, bà Dầu hy sinh thân mình để thành không bị nước xoáy làm hư hại; Nguyễn Thuyên (thời Trần) làm văn tế mà đuổi được cá sấu lớn nên được đổi tên thành Hàn Thuyên - so sánh với công tích của ông Hàn Dũ hàng phục được cá sấu ở Trung Hoa v.v và v.v.
Những “Cánh tay Rồng” đang vươn dậy
Sông Hồng uốn khúc và “Rồng” (Long) vàng “bay” (Thăng) lên từ đây khi Lý Công Uẩn chọn nơi này là “nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời... mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau” (Chiếu dời đô). Trước đây, thuyền - đò là phương tiện chủ đạo của giao thông, giao thương đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội. Sang thời cận - hiện đại, phong cảnh dòng sông Hồng và lịch sử Hà Nội được tô điểm thêm những cây cầu. Nhưng suốt quãng thời gian gần một thế kỷ kể từ năm 1902, Hà Nội chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên qua sông Hồng. Qua 30 năm đổi mới, bên cạnh cây cầu Long Biên mang ký ức lịch sử ba thế kỷ, Hà Nội nay đã có thêm 6 cây cầu lớn và hiện đại: Cầu Thăng Long thông xe ngày 9/5/1985, Cầu Chương Dương thông xe ngày 30/6/1985, cầu Thanh Trì thông xe ngày 2/2/2007, cầu Vĩnh Tuy thông xe ngày 25/9/2009, cầu Nhật Tân thông xe ngày 4/1/2015, cầu Vĩnh Thịnh thông xe ngày 8/6/2015. Những “cánh tay rồng” vững chắc vươn qua sông đã giải quyết hoàn toàn nạn ùn tắc giao thông khi qua sông Hồng, kết nối và tăng ngoạn mục tốc độ lưu thông giữa Hà Nội với các địa phương khác. Trong tương lai, dự án xây dựng những cây cầu qua sông Hồng của Hà Nội còn có cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở.
Trải rộng và vươn xa, cùng với những hạ tầng kỹ thuật quan trọng khác, những cây cầu nối những điểm nút của các tuyến giao thông chạy tới (và qua) Hà Nội có vai trò như những đòn bẩy mạnh mẽ đưa kinh tế - xã hội - văn hóa - khoa học... của Hà Nội và cả vùng lên tầm cao mới
Từ thế rồng cuộn, hổ ngồi trong buổi dời đô hơn một thiên niên kỷ trước, Hà Nội hôm nay đang phát triển. Dòng sông Cái - sông “chủ” của vùng địa linh Thăng Long - Hà Nội - với cây cầu Long Biên là chứng nhân của lịch sử Hà Nội bất khuất kiên cường một thời đạn bom. Mỗi cây cầu mới đã và sẽ xây hôm nay lại như một tượng đài ghi dấu từng bước phát triển của Hà Nội một thời hòa bình dựng xây và phát triển, tiến lên hiện đại cùng cả nước, vì cả nước.
TS. Ngô Vương Anh