Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) – sự kiện mở đầu cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch các quan chức cấp cao (SOM) Bùi Thanh Sơn cho biết, trên cương vị chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có trọng trách cùng các thành viên biến quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC thành những kết quả cụ thể, đưa APEC đến gần hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
Khơi dậy động lực mới
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại tuần lễ cấp cao, lãnh đạo các nền kinh tế APEC tập trung thảo luận, khơi dậy động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường số; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các thành viên cũng hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC tự cường và bao trùm, phát triển đô thị - nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tạo thuận lợi hơn cho các nhóm người dễ bị tổn thương. Những nỗ lực này sẽ góp phần đưa chất lượng tăng trưởng của APEC lên một tầm cao mới.
Toàn cảnh hội nghị
Cùng với đó, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực; đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, tăng cường liên kết, kết nối khu vực sâu rộng và hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) để gắn kết chặt chẽ hơn các nền kinh tế và doanh nghiệp APEC với dòng chảy thương mại và đầu tư châu Á - Thái Bình Dương. APEC tiếp tục thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính bao trùm. Thực tiễn thương mại thế giới cũng đòi hỏi các thành viên tăng cường hợp tác trên các vấn đề chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thương mại điện tử; tiếp tục nâng cao năng lực và hài hòa chính sách. Đóng góp vào việc củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung; nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động của thời cuộc, đi đầu cải cách, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực. APEC cũng góp phần tích cực triển khai các cam kết toàn cầu, nhất là các mục tiêu đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tương lai thế giới phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ
Xây dựng tầm nhìn chiến lược cho diễn đàn sau năm 2020 gắn với việc đưa APEC đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết, kết nối, tăng trưởng chất lượng, bền vững và bao trùm; đẩy mạnh cải cách cơ cấu, kinh tế số, kinh tế mạng, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách phát triển… chính là những nhu cầu phát triển nội tại của các nền kinh tế thành viên và xu thế chung của hợp tác quốc tế trong thế kỷ 21.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới với những cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng có những thách thức, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và khả năng sáng tạo của con người. Tương lai thế giới phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ, những người sở hữu tri thức, nguồn năng lượng dồi dào và sự sáng tạo không giới hạn”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nêu bật tầm quan trọng của diễn đàn.
APEC 2017 bao gồm 200 hoạt động lớn, nhỏ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó, quan trọng nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 diễn ra tại Đà Nẵng, với sự góp mặt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cùng lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên. Hàng chục ngàn đại biểu quốc tế dự kiến sẽ đến tham dự các hoạt động APEC tại Việt Nam, trong đó có khoảng 1.000 nhà lãnh đạo của các tập đoàn lớn cũng như hàng ngàn doanh nghiệp và phóng viên đến từ các hãng thông tấn, truyền thông hàng đầu thế giới và khu vực. |
Với vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Tiếng nói VOF 2017, ông James Soh nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện VOF hàng năm và khẳng định: “Tương lai thế giới phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ”. Đây là một thời cơ để những lãnh đạo trẻ tương lai tìm hiểu sâu sắc hơn về thế hệ của mình cũng như các nền kinh tế khác cho tương lai.
Cơ hội tốt cho Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 cho biết, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm chiến lược, tập trung các đối tác hàng đầu và các lợi ích quan trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đối ngoại. Với quy mô và tính chất hợp tác, APEC mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều đối tượng thụ hưởng, từ doanh nghiệp, người dân đến các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh hiện nay, tất cả 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đến dự Hội nghị cấp cao APEC năm nay, trong đó nguyên thủ một số cường quốc hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Canada sẽ có các chuyến thăm tới Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Vũ khẳng định: Có thể thấy, đăng cai APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao tạo cơ hội rất tốt về nhiều mặt cho đất nước, trong đó có khía cạnh đối ngoại. Đây là cơ hội để chúng ta tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, có quan hệ mật thiết, cũng như các đối tác giàu tiềm năng khác như một số nước ở khu vực Mỹ Latinh cũng là thành viên của APEC.
Hai sáng kiến của Việt Nam được ủng hộ mạnh mẽ
Trả lời báo chí chiều 6/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hội nghị lần này có nhiệm vụ rà soát tất cả các văn kiện, các sáng kiến của Việt Nam từ đầu năm đến nay được đệ trình lên hội nghị Bộ trưởng cấp cao APEC 2017. Hai sáng kiến quan trọng nhất của Việt Nam được đánh giá cao đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm- đây là mô hình tăng trưởng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMs) trong kỷ nguyên số- MSMs là một động lực đối với tăng trưởng và tạo việc làm tại các nền kinh tế APEC. Hai sáng kiến này được sự đồng thuận thông qua và các nền kinh tế APEC ủng hộ mạnh mẽ.
|
Bài, ảnh: Phong Bình – Huệ Thảo