Người dân Dương Hòa thu hoạch nông sản
“Bất khả xâm phạm” thời chiến
Chiến khu Dương Hòa là một trong những căn cứ địa kháng chiến ở Thừa Thiên Huế.
Nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 22km về hướng Tây Nam, Dương Hòa là vùng đất có địa thế hiểm trở, đầu dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía cuối là nơi hợp lưu bởi hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch của dòng sông Hương như cánh tay ôm ấp, tạo nên thế biệt lập với núi non che chở, vừa gần đô thị Huế lại vừa sát với vùng nông thôn rộng lớn ở Hương Thủy, Phú Lộc... Nhờ đó, Dương Hòa có vị trí chiến lược quan trọng, với đầy đủ yếu tố tự nhiên đáp ứng được yêu cầu xây dựng chiến khu, phục vụ kháng chiến lâu dài. Tháng 5/1948, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh và các ngành từ chiến khu Hòa Mỹ chuyển vào Dương Hòa. Từ đây, chiến khu Dương Hòa được thành lập và trở thành nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh.
Sau khi chiến khu Dương Hòa được thành lập, thực dân Pháp nhận định đây là cơ quan đầu não của phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế và trở thành cái gai trong mắt, do đó, chúng thường xuyên tổ chức nhiều đợt tấn công lên chiến khu, từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn, từ phía ngã ba Bãng Lãng (ngã ba Tuần) lên đến Tân Ba, Đồng Tân (xã Phú Sơn)… nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, những đợt tấn công của chúng đều thất bại.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Dương Hòa là vùng an toàn khu của quân và dân Thừa Thiên Huế. Sự an toàn đó được thể hiện khi Tỉnh ủy quyết định chọn Dương Hòa làm nơi tổ chức các kỳ Đại hội đại biểu của Đảng bộ tỉnh, lần thứ I (1949), lần thứ II (1950) và lần thứ III (1951). Xuân 1968 và Xuân 1975, Dương Hòa là nơi các cơ quan lãnh đạo của Phú Vang, Hương Thủy, thành phố Huế và các lực lượng vũ trang làm bàn đạp tiến về Huế và đồng bằng.
Những dòng sử liệu của Thừa Thiên Huế còn ghi: “Những chiến công vang dội của Chiến khu Dương Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khẳng định ưu thế của thế trận chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Với vị thế như vậy, Dương Hòa trở thành chiến khu bất khả xâm phạm”.
Hướng đến xã an toàn khu
Ngày nay, Dương Hòa tuy là xã nghèo miền núi, nhưng từ cuối năm 2015 đã là một trong ba xã đầu tiên của thị xã Hương Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 100% đường liên xã được bê tông và nhựa hóa. 70% đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt mức khá và tăng qua từng năm. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2016 ước đạt 25,5 triệu đồng.
Theo các tiêu chí về xã an toàn khu và vùng an toàn khu mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, đối tượng được công nhận là đơn vị hành chính cấp xã có các sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến tiêu chí xác định xã an toàn khu. Xã an toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí, gồm: Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng an toàn khu cách mạng; nơi ở, làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến của các đồng chí cán bộ từ cấp Khu và Quân khu trở lên; nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 2 cuộc kháng chiến chống; nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang từ cấp đại đội trở lên; nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…
Đảng bộ và chính quyền xã Dương Hòa đang tập trung rà soát các sự kiện lịch sử liên quan và thực hiện các thủ tục theo quy định. Ông Phan Diêu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Dương Hòa cho biết: Dương Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để được công nhận xã an toàn khu. Địa phương sẽ cố gắng để hoàn thành hồ sơ để trình UBND thị xã trước ngày 20/10.
ĐỒNG VĂN