ClockThứ Tư, 31/07/2019 17:29

Farmstay Cân Tôm – nơi sống lại bản sắc văn hóa tộc người độc đáo

TTH.VN - Cùng với khung cảnh thơ mộng của một bản làng nguyên thủy của đồng bào miền núi với các dãy nhà sàn, đồng ruộng, con suối, núi đồi…, các nét văn hóa riêng có như tục Đi Sim của người Pa Cô xưa, sinh hoạt thường ngày trong sản xuất nương rẫy, bắt cá suối, chế biến ẩm thực truyền thống và các loại hình văn hóa cộng đồng, dân gian… được tái hiện nguyên bản ở điểm du lịch Farmstay Cân Tôm, xã Hồng Hạ (A Lưới) đã góp phần làm sống lại bản sắc văn hóa tộc người độc đáo trên vùng cao này.

Diễn ra từ chiều tối 30/7 đến hết ngày 31/7, điểm du lịch Farmstay Cân Tôm, xã Hồng Hạ được khánh thành, đưa vào khai thác và đón lượt khách đầu tiên với số lượng trên 200 người đến từ TP Huế và các địa phương lân cận.

Tái hiện tục Đi Sim của người Pa Cô xưa cổ ở điểm du lịch Farmstay Cân Tôm.  

Vừa đặt chân đến điểm du lịch Farmstay Cân Tôm, du khách thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mang nét hoang sơ của không gian tái hiện đời sống xưa cổ của người dân tộc thiểu số nơi đây. Các ngôi nhà dài là nơi lưu trú của du khách,  được bà con dựng lại dưới chân núi, cạnh con suối đúng nguyên bản của một bản làng đồng bào thời điểm trước những năm 1960.

Bắt đầu từ con suối nơi đầu điểm du lịch, hình ảnh các chàng trai, cô gái đang độ tuổi xuân thì sau những giờ nương rẫy rũ nhau ra bờ suối chuyện trò, cât lên tiếng hát giao duyên truyền thống của người Pa Cô dành cho nhau. Phía trên bờ suối, từng căn chòi được dựng lên bên bờ suối đúng nguyên bản với tục lệ Đi Sim ngày trước của đồng bào dân tộc thiểu số thời xa xưa.

Từng chàng trai trong trang phục truyền thống trình diễn hết tài năng để chinh phục các cô gái ở trên các chòi cao. Đi Sim là một tập tục có từ lâu đời của người Pa Cô (còn được gọi là Pôộc xu) lần đầu tiên được đồng bào ở A Lưới tái hiện nguyên bản, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Đi Sim là nơi hẹn hò của các chàng trai, cô gái đang độ tuổi xuân thì, họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy trữ tình, nồng thắm với những cung bậc cảm xúc đầy yêu thương, nhưng không bao giờ được phạm luật tục. Vì vậy, từ bao đời, tục lệ Đi Sim đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, du khách đến từ TP Huế, cho rằng: “Đến đây, chúng tôi như được quay về sống lại với đời sống xưa cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới, thật thú vị. Các nét văn hóa riêng có này nếu được phát huy, tái hiện một cách bài bản sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá về hình ảnh con người và vùng đất A Lưới đến với du khách”.

Du khách được hướng dẫn tự tay làm các món ăn truyền thống của đồng bào.

Đêm ở Farmstay Cân Tôm, không khí càng rộn ràng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian. Những điệu múa, lời ca truyền thống hòa cùng với thanh âm của cồng chiêng, khèn bè vang vọng cả núi rừng. Các diễn viên người đồng bào dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống trình diễn các làn điệu Ca lơi, Cha chấp, Ba bói truyền thống… thật ấn tượng.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, Hồ Viết Lương, chia sẻ: “Điểm du lịch Farmstay này do chính người dân địa phương cùng nhau thực hiện với sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhằm tạo thêm loại hình du lịch mới, làm phong phú thêm các điểm đến và trải nghiệm cho du khách”.

Bình minh trên điểm Farmstay Cân Tôm thật thơ mộng, thích thú với các hoạt động nương rẫy, hái lượm, đánh bắt cá suối của bà con các dân tộc thiểu số. Du khách được đóng vai những người dân bản địa trong hoạt động tái hiện phương thức sản xuất với tập tục phát, cốt, đốt, trỉa xưa cổ của đồng bào.

“Tôi như đang được hóa thành người Pa Cô xưa đi đánh bắt cá suối, trỉa bắp, hái măng rừng…, được sống với không gian xưa cổ khác biệt hoàn toàn với cuộc sống xô bồ, ồn ào, náo nhiệt ngoài kia. Đây thật sự là một trải nghiệm không thể nào quên”. Một du khách bộc bạch.

Cùng với các điểm du lịch, như A Nôr - Hồng Kim, A Lin - Hồng Trung, A Bia - Hồng Bắc, A Hưa - Nhâm, AKa - A Roàng, Aso - Đông Sơn... và một số điểm du lịch khác, Hồng Hạ đã khai thác tốt điểm du lịch sinh thái PârLe, nay với việc khai trương điểm du lịch Farmstay Cân Tôm sẽ tạo thêm một loại hình du lịch mới trên địa bàn A Lưới.

Hướng dẫn du khách hoạt động đánh bắt cá suối     

Vấn đề còn lại là địa phương cần phối hợp tập huấn cho các hộ dân kỹ năng trong giao tiếp, đón tiếp và hướng dẫn việc trải nghiệm phục vụ du khách một cách bài bản; tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, khuyến khích xây dựng các vườn mẫu, rẩy mẫu và đa dạng các loại hình trải nghiệm thể hiện được nguyên bản văn hóa tập tục đặc trưng trong lao động sản xuất của người bản địa để thu hút du khách.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, địa phương đang chú trọng việc hướng dẫn Ban Quản lý du lịch Farmstay Hồng Hạ cần xác định thị trường du khách có nhu cầu ở farmstay là ai, họ ở đâu, nhu cầu, mong muốn trải nghiệm của đối tượng khách này khi đi du lịch farmstay là gì, họ có khả năng chi trả như thế nào…để từ đó có những hoạt động cụ thể thu hút khách du lịch. Sau những hoạt động này, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới
Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

Với mô hình Đoàn cơ sở “3 chủ động”, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện A Lưới đã tạo chuyển biến tích cực trong phong trào đoàn, cũng như công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

TIN MỚI

Return to top