ClockThứ Năm, 27/10/2016 05:51

Giải quyết thủ tục đất đai sau quy định mới: Còn lúng túng

TTH - Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố được thành lập đã góp phần thu về một mối để thực hiện nhiệm vụ cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này nảy sinh bất cập, gây khó khăn cho người dân trong việc giải quyết hồ sơ, cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất.

Vẫn còn khó khăn trong việc giao dịch thủ tục đất đai (ảnh mang tính minh họa)

“Một cửa” thành “hai cửa”?

Do nhu cầu của gia đình, anh Nguyễn Đình Vi, ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) tiến hành lập thủ tục xin gộp thửa đất. Đến giao dịch thủ tục tại bộ phận “một cửa” của phường, anh được hướng dẫn đến bộ phận “một cửa” của UBND thị xã để được thụ lý giải quyết. Sau khi liên hệ tại bộ phận “một cửa” thị xã Hương Thủy, anh tiếp tục được hướng dẫn về phường xác nhận các hồ sơ liên quan. Quá trình chạy đi chạy lại, đến nay anh vẫn chưa hoàn tất thủ tục theo yêu cầu. Anh Vi bày tỏ: “Gọi là một cửa nhưng làm hồ sơ thủ tục phải lên thị xã, xuống phường như vậy thành ra “hai cửa” rồi còn gì”. Tương tự, anh Hồ Trai, ở xã Điền Lộc (Phong Điền) làm hồ sơ xin cấp đổi sổ đỏ cũng phải lên huyện, xuống xã nhiều lần từ đầu tháng 9 và được hẹn thông báo trả kết quả vào ngày 26/9, nhưng đến trung tuần tháng 10 anh vẫn chưa được trả giấy chứng nhận.

Ghi nhận của chúng tôi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở UBND huyện Phong Điền vào một buổi sáng, có hơn 10 người dân đến nhận kết quả theo hẹn nhưng chỉ có 4 người nhận được giấy chứng nhận. Theo ông Thân Mạnh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, nguyên nhân chậm là do các hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận phải chuyển về VPĐKĐĐ của tỉnh để trình Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp giấy. Những hồ sơ bị trễ hẹn là vì phải chỉnh lý, điều chỉnh do diện tích tăng hoặc sai sót trong quá trình xử lý.

Đại diện Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Phong Điền cho biết, từ ngày 1/9 đến nay đã chuyển 102 hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận đến VPĐKĐĐ của tỉnh, nhưng tới nay vẫn còn hơn 30 hồ sơ chưa hoàn tất, trong đó có 7 hồ sơ trễ hẹn. Chi nhánh VPĐKĐĐ thị xã Hương Thủy cũng thông tin, từ đầu tháng 8 đến nay thị xã đã chuyển VPĐKĐĐ tỉnh hơn 1.500 hồ sơ nhưng hiện vẫn còn gần 80 hồ sơ chưa được chuyển trả.... Đây là tình trạng chung đối với các chi nhánh VPĐKĐĐ, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Theo ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện A Lưới, ngoài tình trạng chậm trễ do mất thêm thời gian chuyển hồ sơ từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện, còn nảy sinh việc xử lý các trường hợp diện tích tăng, giảm so với GCNQSD đất đã cấp thiếu linh hoạt.

Vẫn còn khó khăn

Trước đây, ngoài VPĐKĐĐ thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường thì mỗi huyện, thị, thành phố còn có một VPĐKĐĐ thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường. UBND cấp huyện sẽ ký cấp toàn bộ các loại giấy chứng nhận liên quan đến đất đai cho người dân trong địa phương. Nhưng nay theo quy định mới, các VPĐKĐĐ của huyện, thị, thành phố chuyển thành chi nhánh VPĐKĐĐ của tỉnh thì tất cả những trường hợp cấp giấy chứng nhận không phải lần đầu (cấp giấy chứng nhận cho chủ mới sau khi mua bán, tách thửa, nhập thửa, cấp đổi do giấy cũ bị mất, bị hư hỏng...) sẽ do Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp. Những loại hồ sơ này sẽ được chuyển từ các chi nhánh VPĐKĐĐ về VPĐKĐĐ của tỉnh để chuyển cho Sở Tài nguyên - Môi trường ký. Giấy chứng nhận sau khi ký sẽ chuyển về các chi nhánh để trả cho người dân.

Bà Phạm Thị Bình, Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh, cho biết, theo ước tính, các chi nhánh VPĐKĐĐ ở các huyện, thị, thành phố chuyển hàng ngàn hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận cho VPĐKĐĐ tỉnh mỗi tháng. Thời gian đầu thực hiện quy trình mới, việc chuyển hồ sơ và xử lý chưa thành thục. Hơn nữa, lượng hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận khá lớn nên khâu giải quyết gặp khó khăn…

Có thể thấy, hoạt động của hệ thống VPĐKĐĐ vẫn thiếu sự quản lý điều hành tập trung. Việc lưu giữ hồ sơ địa chính (trên giấy) đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cho việc thiết lập quản lý và chỉnh lý thường xuyên. Hồ sơ được lưu giữ ở các chi nhánh VPĐKĐĐ nên việc quản lý hồ sơ phân tán, gây khó khăn cho việc cập nhật, chỉnh lý đồng bộ theo yêu cầu quản lý và nhu cầu của người sử dụng đất. Trong khi đó, điều kiện đi lại còn khó khăn, việc vận chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận thường xuyên từ chi nhánh ở các huyện, thị về trụ sở chính của VPĐKĐĐ để kiểm tra, trình ký theo thời gian quy định là không hề đơn giản. Do vậy, cần có những giải pháp về tổ chức thực hiện với việc áp dụng công nghệ phù hợp mới mong thủ tục về đăng ký cấp GCNQSD đất được vận hành thông suốt, đảm bảo thời gian quy định. Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Bình cho biết, hiện tại VPĐKĐĐ tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống phần mềm mạng vi tính để quản lý điều hành tập trung hơn. Qua đó, hồ sơ ở các địa phương đều được xử lý, kiểm tra, chỉnh lý trên mạng máy tính và VPĐKĐĐ sẽ hoàn tất, in ra để trình ký. Cho nên, sẽ không còn tình trạng chuyển hồ sơ đi, về, hoặc thiếu linh hoạt trong việc chỉnh lý như trước đây. Đại diện một số chi nhánh VPĐKĐĐ cũng bày tỏ, khi đường truyền quản lý cơ sở dữ liệu địa chính được hoàn thành, mọi thông tin được số hóa và lưu chuyển qua hệ thống mạng nội bộ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các chi nhánh VPĐKĐĐ trong quá trình xử lý hồ sơ...

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

Lần đầu tiên, Diễn đàn Đất và Nước quốc tế được tổ chức từ ngày 9 - 11/12 tại Bangkok (Thái Lan), vạch ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý tình trạng khan hiếm nước và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe môi trường toàn cầu.

Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

TIN MỚI

Return to top