Yên tâm
Chồng sinh năm 1972, vợ sinh năm 1981, anh chị Nguyễn Cửu Dũng - Văn Thị Phượng (thôn Vân Dương, xã Thủy Vân) là một trong những hộ nghèo đang trong độ tuổi lao động của thị xã Hương Thủy. Hơn 4 năm “gan lì” trong danh sách hộ nghèo của xã, năm nay anh chị là một trong ba hộ “thoát nghèo” của Thủy Vân.
Ông Nguyễn Văn Hẹ, cán bộ LĐ, TB&XH xã Thủy Vân cho biết, trước đây gia đình anh Dũng có nghề thợ hồ. Tuy nhiên, sau một tai nạn lao động, anh Dũng phải điều trị dài ngày ở bệnh viện, chị Phượng cũng bỏ việc tất tả chăm sóc chồng. Nguồn thu nhập của cả nhà 5 miệng ăn và 3 đứa con đang ở tuổi đi học bị đứt hoàn toàn. Chẳng tự hào gì suất “hộ nghèo”, nhưng hoàn cảnh “… sông có khúc” nên cả gia đình động viên nhau vượt qua khó khăn. “Bữa ni thì thoát nghèo được rồi và tin tưởng sẽ bền vững. Cả 2 vợ chồng đều đã đi làm trở lại, không được như xưa nhưng cũng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Căn nhà lụp xụp được địa phương tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, vay không lãi để xây kiên cố. Có sức khỏe, có công ăn việc làm, không lâu nữa gia đình anh Dũng cũng sẽ thoát “cận nghèo” thôi”, ông Hẹ nói.
Cùng với hộ anh Dũng, năm 2016 có thêm 86 hộ nghèo khác của thị xã Hương Thủy thoát khỏi diện hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 0,46%. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Thủy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai hiệu quả, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã khó khăn, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình… Các chương trình vay vốn ủy thác qua các tổ chức, đoàn thể cũng được tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, phát triển kinh tế cải thiện đời sống giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo khó khăn về nhà ở được các địa phương kết nối để tiếp cận với chương trình hỗ trợ nhà ở của Nhà nước và các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm.
Thay đổi tư duy giảm nghèo
Năm 2016, với mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Quá trình điều tra nghèo đa chiều so với nghèo thu nhập thì có sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng. Hiện, thị xã Hương Thủy còn 1.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,11%. Một số địa phương có tỉ lệ hộ nghèo còn cao, như: Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Bằng… Nghị quyết của Đảng bộ thị xã Hương Thủy nhiệm kỳ 2012-2020 đề ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,57% (theo kết quả tổng điều tra cuối năm 2015), xuống còn dưới 3,0% vào cuối năm 2020; đồng thời, đảm bảo đến năm 2020 tất cả các xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Trong số 1.094 hộ nghèo trên địa bàn thị xã, có 532 hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chiếm 48,63%, là những hộ không có khả năng thoát nghèo trong thời gian ngắn. Bên cạnh những hộ nghèo có thành viên thuộc diện bảo trợ xã hội, già cả, neo đơn, số hộ thiếu lao động chiếm tỷ lệ không nhỏ nên khả năng thoát nghèo cũng gặp nhiều việc khó. Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết thêm: Đa số hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, trình độ học vấn thấp, lúng túng trong tự lựa chọn phương thức thoát nghèo, hoặc có tư tưởng trông chờ ỷ lại và hộ nghèo là người cao tuổi neo đơn, bệnh tật... nên dễ phát sinh nghèo và tái nghèo.
Hạn chế tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên, thị xã Hương Thủy tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh: “Xét theo góc độ giảm nghèo đa chiều nên các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, như: Nước sạch, thông tin, y tế, giáo dục... Quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi một cách rõ rệt ý thức của người dân. Cùng với “con cá”, với “cần câu” trong các chương trình giảm nghèo, mỗi cán bộ địa phương khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Chỉ khi người nghèo ý thức được việc giảm nghèo là trách nhiệm của chính họ thì sự giảm nghèo mới bền vững”.
ĐỒNG VĂN