ClockThứ Hai, 02/11/2015 07:27

Hàng trăm người sập bẫy đường dây siêu lừa xin việc như thế nào?

TTH - Cơ quan công an vừa bóc gỡ một đường dây lừa đảo xin việc làm “siêu khủng”, trong đó có cả xin vào ngành công an, quân đội, y tế, giáo dục… với hàng trăm bị hại cùng nhiều chục tỷ đồng.

Căn nhà của bà Hoa tại 9b Ngô Thời Nhậm cửa đóng then cài

 

 

Một chứng từ thể hiện việc Hoa nhận tiền để chạy việc

Trung tuần tháng 10/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1962, trú 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP Huế) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Biệt tài của Hoa “nổ”

Liên quan đến Hoa, Cơ quan điều tra Công an Quảng Bình đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã có kết luận điều tra. Theo đó, cũng với phương thức, thủ đoạn như trên, Hoa đã nhận của 45 người với số tiền trên 2 tỉ đồng để hứa xin việc nhưng không xin được việc làm. Tháng 9/2015, Hoa bị Công an Quảng Trị bắt giam và khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở Quảng Trị với số tiền trên 2 tỉ đồng. 

Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2013, khi thông tin Bệnh viện Trung ương Huế cần tuyển dụng khoảng 500 cán bộ, nhân viên do nhu cầu thành lập mới Bệnh viện Quốc tế được đăng tải trên các phương tiện thông tin. “Ăn theo” sự kiện này, Hoa giới thiệu quen biết nhiều người “cấp cao”, có chồng là một phó khoa ở bệnh viện này nên đã có thể giúp xin việc. Tin lời, nhiều người đã đưa cho Hoa từ 80-120 triệu đồng để chạy suất vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Một trong số những người đầu tiên sập bẫy của Hoa là bà Trần Thị L. (SN 1968, trú phường Tứ Hạ, TX Hương Trà). Bà L có người cháu vừa học xong ngành y có nhu cầu xin việc nên nhờ Hoa giúp. Sau khi ra giá 100 triệu đồng, Hoa hứa sẽ nhờ người “tác động” ở khâu thi tuyển dụng. Thế nhưng, sau kỳ thi này cô cháu của bà L. vẫn không đỗ. Hoa lại lấy lý do là đợt tuyển dụng đầu hơi “chặt” nên hẹn đến đợt tuyển dụng đầu năm 2014. Đợt thi tiếp, người cháu của bà L. vẫn không đỗ thì Hoa tiếp tục nêu lý do và nói sẽ có đợt “đặc cách” vào đầu năm 2015, khi đó chắc chắn cháu bà L. sẽ đỗ. Nhưng đợt này cháu bà L. vẫn không có tên trong danh sách trúng tuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế.

Cũng trong giai đoạn này, với lời lẽ “đường mật” của mình, Hoa “nổ” với bà L. nếu có ai bà con hoặc người thân cứ nộp hồ sơ và tiền rồi chị sẽ giúp. Tùy vào từng công việc mà Hoa lập sẵn “kịch bản” để đánh vào lòng tin của bị hại. Tin tưởng Hoa, bà L. đã thu nhận hồ sơ xin việc vào Bệnh viện Trung ương Huế và một số ngành khác của 250 người với số tiền khoảng trên 19 tỷ đồng và đã chuyển cho bà Hoa khoảng 18 tỷ đồng, bà L giữ lại khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn không có ai được bà Hoa xin việc. Nghi ngờ, bà L. đã đòi tiền lại nhưng không được nên gửi đơn lên cơ quan công an. Cùng với bà L., hiện cơ quan công an tiếp nhận gần 100 đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hoa và những người có liên quan. Theo cơ quan công an, sau khi mọi chuyện vỡ lở nhiều người giao tiền cho bà L. đến đòi, gây áp lực nên bà L. đã chạy vạy trả lại cho những người này khoảng 8 tỷ đồng.

Theo điều tra ban đầu, không chỉ bà L. đứng ra thu tiền cho bà Hoa số tiền “khủng” nói trên mà có rất nhiều người khác cũng thu tiền để đưa cho bà Hoa, hoặc trực tiếp đưa tiền cho Hoa với số tiền hàng tỷ đồng.   

 

Lấy tiền nhưng không xin việc

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2015, Nguyễn Thị Thanh Hoa đã dùng thủ đoạn giả nhờ người xin việc làm giúp để lừa trên 300 người ở Thừa Thiên Huế và chiếm đoạt số tiền lên đến trên 22 tỉ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Hoa không chỉ nhận xin việc vào làm ở Bệnh viện Trung ương Huế mà còn xin ở các lĩnh vực khác. Cụ thể, xin dạy học hoặc ngành giáo dục nhận 80- 100 triệu đồng mỗi suất. Vào bệnh viện đa khoa và ngành y lấy từ 80- 120 triệu đồng mỗi suất. Cá biệt, có nhiều trường hợp bị Hoa lừa xin vào ngành quân đội, công an với giá 300- 320 triệu đồng mỗi suất. Cơ quan công an cũng đã thu tập danh sách được Hoa lập khống hứa xin vào ngành công an để làm kế toán, hậu cần, lái xe… 43 trường hợp.

Qua làm việc với bị hại và Hoa, cơ quan công an xác định, sau khi nhận tiền của bị hại, Hoa không có động thái gì đi xin việc và thực tế chưa xin được việc cho bất cứ một trường hợp nào. Số tiền chiếm đoạt được cho đến thời điểm này lên đến gần 30 tỷ đồng; tất cả được Hoa sử dụng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Đại tá Hồ Quang Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, việc làm luôn là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, nên các đối tượng bày ra nhiều chiêu trò “lừa bịp” hòng thực hiện hành vi “móc túi” của người dân. Để tạp lòng tin với người có nhu cầu xin việc, các đối tượng tự giới thiệu hoặc qua môi giới thông tin về đối tượng là “người nhà”, người thân của các vị lãnh đạo lớn ở tỉnh. Đồng thời, các đối tượng lừa đảo còn tìm hiểu khá kỹ về nhân thân, lai lịch, nhằm đánh trúng tâm lý nhiều người bị hại để lừa đảo...

Hiện, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng án và làm việc với các nhân chứng, nguyên đơn để xác định các cá nhân liên quan.

Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương
Không phải “gồng mình” thưởng tết

Những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh từ đầu năm giúp nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may không phải “gồng mình” để thưởng tết cho người lao động như từng xảy ra ở một số năm trước.

Không phải “gồng mình” thưởng tết
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chậm đóng bảo hiểm: Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.654/4.107 doanh nghiệp (DN) chậm đóng các loại hình bảo hiểm với tổng số tiền chậm lên đến 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý.

Chậm đóng bảo hiểm Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

TIN MỚI

Return to top