ClockThứ Ba, 12/11/2019 06:30
DÂN VẬN NHÌN TỪ HƯƠNG THỦY:

Khó vạn lần dân liệu cũng xong – kỳ 1: Tiền không phải là mấu chốt

TTH - Câu chuyện dân vận, nói thì dễ nhưng khi bắt tay thực hiện là cả một vấn đề. Từ thành công trong công tác giải tỏa, di dời của TX. Hương Thủy ở Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và xây dựng nông thôn mới, nhiều bài học quý về công tác dân vận được khơi gợi.

Giải tỏa mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài: Đồng thuận di dời lăng, mộ đến nơi chôn cất mới

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà (giữa) tại buổi bàn giao mặt bằng mở rộng sân bay Phú Bài chiều 24/4

Có chính sách phù hợp, tăng cường đối thoại, kiên trì vận động... là “nguyên tắc” được những người làm công tác dân vận ở TX. Hương Thủy áp dụng khá hiệu quả.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2019, nhà ông Nguyễn Quang Trạm (thôn Tô Đà 2, xã Thủy Tân) có người thân qua đời. Đó cũng là thời điểm TX. Hương Thủy đang khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa để bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Dự án) đúng tiến độ, là vào cuối tháng 4/2019.

Dự án có tổng diện tích phải thu hồi giai đoạn 1 là 45,94 ha, trong đó, phường Phú Bài diện tích thu hồi là 23,63 ha, bị ảnh hưởng 14 hộ; xã Thủy Tân có diện tích thu hồi 12,6 ha, bị ảnh hưởng 17 hộ; xã Thủy Phù diện tích thu hồi 9,71 ha, bị ảnh hưởng 22 hộ; số lăng, mộ phải di dời 1.755 ngôi.

San lấp mặt bằng xây dựng nghĩa trang mới ở xã Thủy Phù

Trong câu chuyện bàn giao mặt bằng cho dự án, công tác vận động di dời lăng, mộ đến nơi chôn cất mới (nghĩa trang ở xã Thủy Phù) cũng như không chôn cất ở nơi cũ trong khu vực ảnh hưởng bởi dự án thời điểm này là khó khăn nhất. Và nói như ông Trần Tấn Quốc - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy, thì tiền không phải là vấn đề mấu chốt.

Trở lại chuyện nhà ông Trạm. Trước những vận động bước đầu của chính quyền, đoàn thể các cấp, gia đình ông Trạm không đồng thuận đưa người quá cố đến nơi chôn cất mới mà muốn chôn cất người thân ở nghĩa trang của dòng họ - nơi bị ảnh hưởng bởi dự án - do không muốn xa ông bà, tổ tiên.

Nhận định không phải gia đình ông Trạm đòi hỏi, yêu sách mà đây là do tập tục và tâm linh, sau khi đặt vấn đề, UBMTTQ Việt Nam, Ban Dân vận thị xã cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan có buổi chia sẻ, chuyện trò cùng gia đình ông Trạm trong thời điểm vẫn đang cử hành tang lễ.

“Buổi nói chuyện mới đầu khá nặng nề khi gia đình ông Trạm nhất mực không đồng ý. Nhưng sau khi nghe phân tích nên vì cái chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh sau khi Dự án hoàn thành, gia đình ông Trạm đã đồng thuận cũng như không có đòi hỏi nào”, ông Trần Tấn Quốc chia sẻ.

Nhưng trường hợp gia đình ông Trạm chưa phải là “gay go” nhất.

Lăng cao đời có vị trí rất quan trọng về mặt tâm linh của mỗi dòng họ, nên bên cạnh diện tích, quy mô khá bề thế thì thường có hàng chục ngôi mộ, thậm chí cả trăm ngôi mộ của những người trong dòng họ được chôn xung quanh lăng với ngụ ý là muốn luôn bên cạnh tổ tiên ông bà, nên khi di dời thì tâm lý mọi người vẫn là “tổ tiên đi đâu con cháu theo đó”.

Chưa kể, khi các đoàn thể, chính quyền các cấp đến vận động để di dời thì có thời điểm, nơi chôn cất mới vẫn chưa quy hoạch xong nên nhiều người không yên tâm đồng ý di dời lăng, mộ họ tộc. Ngoài ra, khi di dời đến nơi chôn cất mới, do diện tích nhỏ hơn nơi cũ (theo quy định của Chính phủ) nên những ngôi mộ chôn xung quanh lăng cao đời, hoặc sau này nếu có người thân qua đời cũng sẽ không được chôn cùng cũng khiến một số người không yên tâm.

Gia đình ông Ngô Phước Lụa (thôn 9, xã Thủy Phù) có lăng cao đời diện tích khoảng 60-70m2 cùng hàng chục ngôi mộ nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi Dự án. Khi bắt tay vận động cũng là thời điểm thị xã chưa có quy hoạch nơi di dời cụ thể, cùng thông tin diện tích nơi cải táng mới không bằng diện tích ở nơi chôn cất cũ, nên khả năng ông Lụa cùng họ tộc đồng thuận gần như là bằng không.

Vậy, vận động, thuyết phục bằng cách nào? Mềm dẻo, kiên trì là hẳn nhiên. Tác động đến những người có uy tín trong họ tộc cũng là một phương pháp. Nhưng với những người làm công tác dân vận, điều này vẫn chưa đủ. “Mình phải tạo được niềm tin mới là điều quan trọng nhất”, ông Trần Tấn Quốc nói.

Để tạo niềm tin cần phải có hành động cụ thể. Sau buổi nói chuyện với gia đình ông Ngô Phước Lụa, khoảng hơn 1 tháng sau, Hương Thủy đã quy hoạch xong nơi chôn cất mới ở xã Thủy Phù. Sau khi có địa điểm, vấn đề tiếp theo là giải quyết “yêu sách” - nếu có - của những họ tộc có lăng cao đời có diện tích lớn, vượt quá quy định của Chính phủ.

“Thị xã đã tính được vấn đề này khi đưa ra chủ trương đất cải táng lăng cao đời có diện tích nhỉnh hơn những lăng mộ bình thường khác để các lăng mộ con cháu có thể chôn theo. Và dù diện tích chỉ tương đối, nhưng bên cạnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tâm linh, thì từ công tác vận động mềm dẻo, kiên trì và chỉ ra được lợi ích chung, vì cái chung nên sau cùng, câu chuyện di dời lăng mộ của gia đình ông Ngô Phước Lụa được giải quyết êm đẹp, thuận lợi”, ông Quốc nói.

Trong câu chuyện đền bù, di dời, ông Ngô Phước Đãi cho rằng, tất cả vì lợi ích chung

Ông Ngô Phước Đãi (thôn 9, xã Thủy Phù) chia sẻ, họ tộc ông có 7 ngôi mộ, trong đó có một ngôi mộ tổ đã hơn 400 năm, tọa lạc trên diện tích xây dựng 231m2. “Về đền bù, họ tộc chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Về diện tích để cải táng thì chưa phù hợp, nhưng một khi đã là quy định của Nhà nước thì phải tuân theo, bởi, mỗi người nên chung sức cùng tỉnh, thị xã phát triển. Tỉnh, thị xã phát triển thì người dân cũng phát triển theo”, ông Đãi nêu quan điểm.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

Kỳ 2: Thay đổi nhận thức, gắn vai trò chủ thể cùng quyền lợi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Hương Thủy: Nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên hơn 97%

Sáng 9/11, Trường mầm non Hoa Hướng Dương (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) tổ chức lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đây là trường thứ 39 trên tổng số 40 trường tại thị xã Hương Thủy được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 97,5%.

Hương Thủy Nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên hơn 97
Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sáng 9/11, tại phường Thủy Lương, Viện KSND TX. Hương Thủy phối hợp Thị đoàn và Hội Luật gia thị xã tổ chức phiên toà giả định vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nhằm tuyên truyền, phòng chống tội phạm phạm ma túy.

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
Return to top