1. Trong những ngày dịch bệnh đang hoành hành, mọi quốc gia đang nỗ lực cho công tác phòng, chống đại dịch thì lại xuất hiện “Báo cáo tình hình nhân quyền 2019”. Có kẻ lấy danh nghĩa của một số tổ chức nhân quyền quốc tế và Bộ Ngoại giao nước ngoài để lên án nhân quyền của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thực ra cũng chẳng có gì lạ khi nhiều năm nay, các tổ chức này thường báo cáo về tình hình nhân quyền với ý đồ chính trị. Đây được họ xem như một “bức tranh toàn cảnh” dưới con mắt của các nhà ngoại giao, các tổ chức lấy danh nghĩa nhân quyền để phán xét các quốc gia khác. Những quốc gia không đồng quan điểm với một số nước phương Tây đều được liệt vào các nước vi phạm nhân quyền hoặc khủng bố.
Dư luận quốc tế không lạ với những đánh giá và dẫn chứng từ một vài hiện tượng không đúng mực để rồi quy kết bản chất thiếu nhân đạo, vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Bàn về nhân quyền có nhiều vấn đề cần mổ xẻ, ở đây chỉ nêu về dịch COVID- 19 đang diễn ra để chứng minh thế nào là nhân quyền, nhân đạo thực chất của Nhà nước Việt Nam.
Khi nạn dịch bắt đầu xuất hiện ở các nước, dù biết là loại virus nguy hiểm, lan truyền nhanh nhưng lãnh đạo nhiều nước vẫn không triển khai các biện pháp phòng, chống ngay từ đầu. Chỉ đến khi bùng phát số ca mắc bệnh, số người chết tăng nhanh mới có động thái cần thiết thì đã quá muộn. Người ta ca ngợi các nước phát triển với hệ thống chăm sóc y tế quá tốt, nhưng qua nạn dịch này mới thấy được điều đó chỉ dành cho người giàu, có bảo hiểm cao, không phải dành cho người nghèo, thất nghiệp, người yếu thế. Muốn test thử để kiểm tra dịch, người dân đã phải bỏ ra hàng trăm đến hàng ngàn đô la, chưa kể nếu phải chữa trị thì chi phí cao ngất ngưởng. Một người dân ở Mỹ khi chữa bệnh Corona được xuất viện với hóa đơn viện phí lên đến 34.927 USD, khoản kinh phí khủng đó sẽ không có chỗ cho người nghèo khi nhiễm bệnh (theo tin của VTV tối 20/3/2020)...
Thực tế hiện nay, nhiều người Việt Nam ở các nước tìm cách về quê hương để tránh dịch và chữa bệnh. Đó được xem như là cách tốt nhất thoát khỏi dịch bệnh, chết chóc. Đáng chú ý là những nước phát triển giàu có, nền y học tiên tiến hàng đầu lại có tỷ lệ người nhiễm bệnh, tỷ lệ chết cao, mất kiểm soát, buộc phải đóng cửa với bên ngoài. Quyền sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng, có người bản địa tìm cách đi du lịch Việt Nam để trốn dịch, chữa bệnh. Một người nước ngoài ở sân bay ở Pháp khi nhìn người Việt lên chuyến bay về nước phải thốt lên cầu cứu: “Cho tôi đi đâu cũng được miễn là rời khỏi châu Âu”. Thật sự không nghĩ rằng, những đất nước giàu mạnh mà tính mạng, sức khỏe của người dân lại bị đe dọa thê thảm đến vậy.
2. Với Việt Nam thì hoàn toàn khác. Ngay từ đầu Chính phủ đã “kích hoạt” toàn hệ thống chính trị, đề ra các chủ trương đúng đắn, hết sức nhân văn, nhân đạo. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Chống dịch như chống giặc” với những biện pháp mạnh mẽ vì con người, vì sức khỏe của cả cộng đồng. “Hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng con người”, đó là thông điệp mà Chính phủ đề ra được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Dù là một nước cận kề với trung tâm dịch bệnh ở Trung Quốc, nhưng Việt Nam là một trong số các nước có số người nhiễm thấp nhất, khoanh vùng chữa trị kịp thời, đến nay chưa để người chết vì dịch bệnh. Bệnh viện chuyên ngành, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung được nhanh chóng triển khai với những ưu tiên tốt nhất trên phạm vi cả nước. Khẩu trang, nước sát khuẩn, test kiểm tra virus được khẩn trương sản xuất và thử nghiệm phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh. Chống thiên tai, dịch bệnh đã nhiều lần nhưng chưa khi nào chúng ta “bao cấp” đầy đủ cho người dân khi phải cách ly 1 xã, một tuyến phố hay một khu dân cư như trong phòng chống COVID-19. Việt Nam cũng triển khai hàng trăm khu cách ly tập trung cho hàng chục ngàn người và được phục vụ chu đáo, miễn phí từ xét nghiệm, đến ăn, ở hàng ngày. Người Việt ở tâm dịch Vũ Hán được Nhà nước điều máy bay sang “cứu”. Số người Việt ở châu Âu cuối cùng trước khi bị đóng cửa biên giới được Vietnam Airline đưa về đến sân bay Vân Đồn. Có người đã viết trong Facebook cá nhân: “Từ đáy lòng, xin cảm ơn Tổ quốc đã dang tay cứu nạn”. Ngay cả những người nước ngoài khi bị nhiễm bệnh hoặc bị cách ly đã không tiếc lời ca ngợi những nghĩa cử nhân đạo của Chính phủ và nhân viên y tế Việt Nam...
Những điều đó có phải là nhân quyền hay không? Xin dành câu trả lời cho những kẻ nêu ra vấn đề đó với Việt Nam.
NGUYỄN AN HÒA