ClockThứ Hai, 04/03/2019 06:30

Khu thiết chế công đoàn tại KCN Phong Điền: Dự kiến triển khai vào năm 2020

TTH - Khu thiết chế công đoàn tại Khu Công nghiệp (KCN) Phong Điền do Công đoàn Việt Nam đầu tư là niềm hy vọng cho công nhân lao động (CNLĐ) thu nhập thấp “khát” nhà ở. Theo kế hoạch, dự án khởi công năm 2018 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2020. Vậy nhưng hiện nay dự án vẫn chưa thể triển khai do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Sức hút khu công nghiệp Phong Điền12 tỷ đồng hoàn chỉnh hạ tầng KCN Phong Điền

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà (ngoài cùng bên trái) thăm Trường mầm non Scavi (KCN Phong Điền) - điển hình trong việc chăm lo đời sống cho người lao động

Cơ hội cho CNLĐ thu nhập thấp

Theo kết quả cuộc khảo sát của Công đoàn Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh (từ ngày 4-12/9/2017) về nhu cầu nhà ở đối với CNLĐ tại 4 doanh nghiệp thuộc địa bàn KCN Phong Điền, trong tổng số 7.500 phiếu khảo sát thì có 47% CNLĐ có nhu cầu mua nhà ở giá thấp (hầu hết là người có gia đình), 20% có nhu cầu thuê nhà trọ, số còn lại không có ý kiến. Dự báo, đến năm 2020, nhu cầu của công nhân được mua nhà ở giá thấp sẽ có 11.656 người, số cần thuê nhà trọ có 4.960 người.

Một thực tế là nhu cầu nhà ở của CNLĐ ngày một tăng, nhưng hiện tại 6 KCN (phân bố trên địa bàn thuộc 6 huyện và thị xã) và Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đều không có nhà trọ và các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động (NLĐ). Hầu hết công nhân ở xa đều phải trọ bên ngoài KCN, thiếu đảm bảo an toàn và lành mạnh trong sinh hoạt.

Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết vấn đề trên. Đáng chú ý là việc triển khai dự án Thiết chế công đoàn tại KCN Phong Điền trên diện tích dự kiến 4,1 ha, với kinh phí được Tổng LĐLĐ Việt Nam phê duyệt 350 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục: các khối chung cư nhà ở 5 tầng cho công nhân (khoảng 1.000 căn hộ); nhà văn hóa đa năng có sức chứa 500 người; quảng trường trung tâm có sức chứa 5.000 người; siêu thị công đoàn phục vụ cho khu vực; nhà trẻ; văn phòng tư vấn pháp luật; hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân; hệ thống vườn hoa, cây xanh kết hợp sân thể thao…

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, dự án này sẽ được xây dựng bằng tiền tiết kiệm từ nguồn hoạt động phong trào của các cấp công đoàn trên cả nước do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án này.

Còn nhiều khó khăn

Về việc chậm triển khai dự án, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương giải thích, tuy Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chủ trương đầu tư tại Thừa Thiên Huế nhưng lại yêu cầu gắn khu thiết chế văn hóa với đầu tư công hiệu quả. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh được giao nhiệm vụ khảo sát và lập danh sách CNLĐ có nhu cầu và đăng ký mua nhà. Tối thiểu phải đảm bảo ít nhất từ 1.000 - 2.000 trường hợp mới có thể đầu tư, tránh tình trạng cung vượt cầu gây lãng phí.

LĐLĐ tỉnh đã đến khảo sát tại tỉnh Hà Nam, nơi có khu thiết chế đầu tiên trên toàn quốc để học tập kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất cần làm trước mắt là xây dựng, tính toán các số liệu cụ thể để khu thiết chế thật sự mang lại lợi ích cho CNLĐ; trong đó chú trọng tính minh bạch trong giá bán, diện tích căn hộ và các chính sách ưu đãi. Đây là công việc cần nhiều thời gian cân nhắc từ các bên liên quan, không thể nóng vội, rập khuôn các hình mẫu có sẵn ở nơi khác, bởi mỗi địa phương đều có những thuận lợi, khó khăn riêng.

Lý giải về việc chọn KCN Phong Điền thay vì KCN Phú Bài - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và NLĐ hơn, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết, KCN Phong Điền có lợi thế hơn về quỹ đất, đồng thời khi hoàn thành khu thiết chế, đây sẽ là một yếu tố thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Trước mắt, Công ty Scavi Huế cam kết đồng hành cùng LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, vận động NLĐ tại công ty tham gia dự án. Tuy nhiên, không chỉ gói gọn tại một doanh nghiệp, bất cứ đoàn viên, NLĐ có nhu cầu đều có thể đăng ký tham gia.

Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, thông tin tuyên truyền về dự án khu thiết chế công đoàn; đặc biệt chú trọng lồng ghép với các hoạt động công đoàn thường niên giúp NLĐ hiểu rõ lợi ích, ý thức được bản thân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này để tham gia. Dự kiến, năm 2020 sẽ bắt đầu triển khai dự án.

Theo thiết kế, các căn hộ chung cư thuộc Khu thiết chế công đoàn tại KCN Phong Điền được xây dựng với diện tích 36m2, có kèm gác xép hoặc không có. Đối tượng được mua căn hộ thuộc thiết chế công đoàn phải là đoàn viên công đoàn, NLĐ có thu nhập thấp.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tròn vai

Năng động, nhiệt tình, tận tâm, giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật là lợi thế giúp ông Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MSV làm tròn vai người “thủ lĩnh” công đoàn từ nhiều năm nay.

Tròn vai
Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã và đang thực hiện 5 giải pháp để góp phần thực hiện thành công Chiến lược này.

Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn
Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07

Chiều 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU, ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2026 (Đề án 07).

Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07

TIN MỚI

Return to top