ClockThứ Hai, 11/03/2019 08:42

Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”

TTH - Công tác cán bộ của chúng ta vẫn còn nhiều tiêu cực. Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Những điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”.

Kỷ luật nếu tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”“Chạy chức chạy quyền là vấn đề nhức nhối ngay trong nội bộ Đảng”

“Chạy” gây tác hại khôn lường

“Chạy” - từ nguyên nghĩa chỉ một trạng thái vận động cơ học của động vật và con người đã mang nghĩa tiêu cực khi được gắn với “chức”, “quyền”. Bản chất của “chạy chức, chạy quyền” là dùng các thủ đoạn, quan hệ, tiền bạc, vật chất... để đạt được mục đích mang tính vụ lợi. Mục tiêu của “chạy chức, chạy quyền” của các cá nhân là nhằm có được những chức vụ, quyền hạn có khả năng mang lại lợi ích cá nhân, cục bộ. Khi không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì người ta sẽ phải “chạy bằng cấp”, “chạy thành tích”, thậm chí cả “chạy tuổi”... để có một hồ sơ “đẹp”. Tình trạng “chạy” diễn ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức, mức độ, phạm vi, tính chất khác nhau. Nó không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế mà còn hiện hữu ở các lĩnh vực khác, như tư pháp, giáo dục, y tế, văn hóa…

Đặc biệt, “chạy chức, chạy quyền” gây ra những tác hại vô hình nhưng vô cùng lớn, tạo ra tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm mất uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của Nhân dân. “Chạy chức, chạy quyền” là biểu hiện cụ thể nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ, hậu quả trực tiếp của suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng (10/2016) đã xem tình trạng “thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”, “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống “chạy chức, chạy quyền” là hoạt động cơ bản của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

Nhìn thẳng thực trạng và nêu rõ quyết tâm

Khi đã “có chức” và “có quyền”, việc sử dụng quyền lực của những người đã “chạy” được chức, “chạy” được quyền sẽ có nhiều sai phạm và tình trạng lạm quyền, lộng quyền tất yếu sẽ xảy ra. Đó chính là lý do chúng ta cần phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực. Muốn kiểm soát quyền lực hiệu quả, logic của vấn đề là cần phòng chống từ “gốc”, chống từ việc tham nhũng quyền lực cả trong việc bổ nhiệm cán bộ (từ cấp trên) và “chạy chức, chạy quyền” (từ cấp dưới).

Việc kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức”, “chạy quyền” là nội dung khó. Thời gian qua, chúng ta chưa tiến hành công việc quan trọng này một cách căn cơ, bài bản, chuyên nghiệp, cũng chưa có những quy định rõ ràng nên đã để xảy ra nhiều trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, “không trong sáng”, hình thành những phe cánh trong tổ chức, hình thành những nhóm lợi ích… gây bức xúc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng thẳng thắn nêu vấn đề: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (5/2018) chỉ ra hiện tượng: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc". Từ đó, Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ: “hoàn thiện các quy định, quy chế; đồng thời, cương quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, không có “vùng cấm”. Đặc biệt về Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đã khẳng định quyết tâm: “Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền”; “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.

Những giải pháp được kỳ vọng

Tại hội nghị trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày 4/3/2019, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương một lần nữa nhấn mạnh việc “phải chống cho được tiêu cực, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ” trong bối cảnh mới, đặc biệt để chuẩn bị nhân sự các cấp cho nhiệm kỳ XIII của Đảng. Theo đồng chí Phạm Minh Chính: Để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” điều quan trọng nhất là xây dựng thể chế. Thể chế này phải xây dựng kỹ, rõ ở từng khâu, từng mắt xích và phải dễ kiểm tra, giám sát để gắn trách nhiệm người thực hiện từng công đoạn và phải có cơ quan giám sát việc này. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và đặc biệt vì danh dự của mỗi cán bộ…

Trước đó, Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra xin ý kiến để ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Sáu nhóm giải pháp đã được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra gồm: Khắc phục tình trạng “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”; Thi tuyển cạnh tranh chọn người thực tài; Cấp uỷ phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ; Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức công vụ; Xoá bỏ đặc quyền, đặc lợi; Tăng cường giám sát của người dân. Những điều này tương đồng và cụ thể hóa lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về công tác cán bộ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947). Chúng ta có cơ sở để kỳ vọng những kết quả tích cực từ quyết tâm và hành động của Đảng thực hiện ráo riết những điều đó.

TS.Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Return to top