ClockThứ Ba, 28/08/2018 21:13

Kiểm tra chấn chỉnh việc vận động dân đóng tiền tổ chức lễ hội đâm trâu

TTH.VN - Trước thông tin xã Hồng Tiến (TX Hương Trà) dự kiến tổ chức lễ hội đâm trâu và yêu cầu mỗi hộ dân tham gia phải đóng góp 300.000 đồng, chiều ngày 28/8, Phòng Văn hóa và Thông tin, thị xã Hương Trà cho biết sẽ kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này.

Xã Hồng Tiến là địa phương miền núi với gần 350 hộ dân, trong đó có 46 hộ nghèo. Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn phản ánh, họ  lo lắng về kế hoạch đóng góp 300 nghìn đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống ở địa phương này. Người dân cho rằng, đối với thu nhập của các hộ dân miền núi như Hồng Tiến chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc đóng góp 300 nghìn đồng/hộ như kế hoạch là một vấn đề không nhỏ.

Lê hội đâm trâu từng được tổ chức ở huyện miền núi Nam Đông, nay đã xóa bỏ

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến xác nhận có việc vận động đóng góp này. Tuy nhiên, theo ông Hòa, đây không phải là chủ trương của UBND xã mà dựa trên đề nghị của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đề xuất lên. Và lễ hội đâm trâu là tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đã được địa phương tổ chức vào năm 2008.

“Thời gian đó các già làng trưởng bản dự kiến sau 5 năm sẽ tổ chức lại một lần nhưng khi đến dịp, do khó khăn kinh phí cùng nhiều nguyên nhân khác nên địa phương không tổ chức được. Giờ tròn 10 năm, có một số già làng, trưởng bản đã chết, người khác kế cận và họ có đề xuất lên Đảng ủy, UBND xã xin được tổ chức vào tháng 11 năm nay với mục đích cầu an cho bà con, cầu mùa màng bội thu trên địa bàn”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, xã Hồng Tiến dự kiến tổ chức lễ hội đâm trâu vào ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, 18/11 sắp tới. Thời gian tổ chức dự kiến kéo dài khoảng một ngày rưỡi, trên quy mô gồm 5 thôn trên địa bàn với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu và cả người Kinh có nguyện vọng được tham gia.

Về việc đóng góp 300.000 đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu, ông Hòa nói rằng quá trình triển khai xã đã giao nhiệm vụ các trưởng thôn vận động dựa trên đề xuất của các già làng, trưởng bản. Chủ trương chung của địa phương cũng như các già làng, trưởng bản là hộ dân nào hưởng ứng thì đóng góp tiền (300 nghìn đồng/hộ), hộ nào không hưởng ứng thì không phải đóng góp chứ không bắt buộc. Ngân sách địa phương không thể bỏ ra tổ chức lễ hội bởi không phải chủ trương của xã. Hiện tại, có khoảng khoảng 50 người ủng hộ và chủ yếu là các vị lão thành, con em trong xã.

Đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội truyền thống đẹp

Ông Nguyễn Xuân Thạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, thị xã Hương Trà, cho hay chỉ mới nghe thông tin về việc xã Hồng Tiến vận động người dân đóng góp tiền để tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống còn sự việc cụ thể như thế nào thì chưa nắm rõ do địa phương này chưa có báo cáo cụ thể. Theo ông Thạnh, trong quy ước văn hóa, các thôn bản nêu rõ không tổ chức các hủ tục trái thuần phong mỹ tục. Trong khi các văn bản hướng dẫn của ngành cũng chưa nói rõ quy định về các lễ hội này. Do vậy, thời gian tới phía thị xã sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh về tình trạng này.

“Thông tin ban đầu chúng tôi nắm được thì đây cũng mới chỉ là kế hoạch vừa manh nha, nếu địa phương báo cáo xin chủ trương thì chúng tôi sẽ xin ý kiến từ Sở Văn hóa – Thể thao và sẽ vận động, đề nghị họ thay đổi lễ nghi bởi thời gian qua xã hội lên án đây là lễ hội mang tính phản cảm”, ông Thạnh cho biết thêm.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao, việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh có tính chất bạo lực, máu me là trái với chủ trương của ngành văn hóa hiện nay. Trước đây lễ hội đâm trâu cũng từng được tổ chức ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Sau nhiều nỗ lực vận động của các ban ngành, lễ hội này đã bị xóa bỏ.

Bài, ảnh: Hà Nguyên- Đại Nam

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top