ClockChủ Nhật, 30/10/2022 13:01

Ký túc xá sinh viên - Mong một sự sốt ruột thật lòng…

TTH - Chừng hơn 2 tuần trước, tôi nhận được cuộc gọi của người bạn tha thiết nhờ hỗ trợ để tìm phòng trọ cho con gái của anh. Cháu vừa trúng tuyển vào một trường đại học của Huế.

Sinh viên trở lại nhà trọ, ký túc xá sau nhiều tháng học onlineKý kết thoả thuận về việc xây dựng ký túc xá sinh viên

Chỗ lưu trú cho sinh viên luôn là nhu cầu bức xúc của xã hội

Anh bảo, giọng rất ray rứt, rằng anh quá lạc hậu. Cứ tưởng đơn giản như hồi mấy anh em mình là sinh viên, đến trường, nộp thủ tục đăng ký là vô ký túc xá (KTX). Hoặc cùng lắm chạy tìm phòng trọ, gần trường bao giờ cũng đầy nhóc. Ai dè, KTX không có cửa, mà phòng trọ bên ngoài thì chạy tìm toát mồ hôi, ở đâu cũng hết chỗ. Năm nay tân sinh viên (SV) về học ở Huế quá đông, “cháy” phòng cả.

Sau cùng, bằng tất cả các kênh quen biết, anh cũng tìm được một chỗ trọ cho cháu. Nhưng nay, sau hơn 2 tuần tá túc, nghe đâu chỗ trọ bộc lộ nhiều bất ổn, khả năng anh lại phải đến Huế, tiếp tục hành trình tìm chỗ ở cho con… Chuyện của bạn, rồi nhìn lại mình tôi cũng “tủi thân” không kém. Hai đứa con của tôi cũng lần lượt đỗ vào các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Ở trong đó tôi có anh em, nhưng nhà quá xa trường, nên phải tìm chỗ trọ cho con. Lạ nước lạ cái giữa thành phố mênh mông, đó quả là một hành trình đầy khổ ải. Tìm có chỗ trọ có thể không quá khó, nhưng cái khó nhất là tìm cho được chỗ trọ phù hợp cho việc học hành, cho vấn đề an ninh trật tự... Bạn tôi cũng có con vào học tại thành phố mang tên Bác trước đó ít năm, thuê trúng chỗ trọ bất an. Chỉ cần sơ suất chút là laptop, điện thoại lập tức không cánh mà bay. Cháu hớt hải chạy dọc dãy phòng trọ để dò tìm thì được cảnh báo nên chấp nhận mất của đi. Còn ồn ào lên là coi chừng vừa mất của vừa bị “dọn”… Khiếp quá, vợ chồng bạn tôi cuống cuồng mua vé bay vào, chạy tìm chỗ trọ khác cho con. Rút bài học kinh nghiệm của bạn, và sau mấy ngày tìm chỗ trọ không an lòng, tôi hạ quyết tâm xin cho con mình vào KTX SV. Và rồi, vận dụng các mối quan hệ thân quen, tôi cũng xin được cho con mình 1 chỗ.

Chi phí hợp đồng 1 chỗ ở tại KTX tất nhiên dễ chịu hơn rất nhiều so với bên ngoài. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là bản thân SV và phụ huynh của họ cảm thấy yên tâm khi được đến với môi trường này. Một môi trường vừa an ninh trật tự, tách biệt được với những mối nguy hiểm, những cạm bẫy rập rình vẫn thường hiện diện ở các khu trọ bên ngoài. Môi trường sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của các em lại cũng thuận lợi và lành mạnh. SV có thể rủ nhau cùng học, cùng đi thư viện đọc sách, cùng tham gia các trò chơi tập thể hay những môn thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi...

Vậy nhưng, rất tiếc là chỗ ở cho SV trong các KTX vẫn đang ở một con số hết sức bé nhỏ. Đại học Quốc gia Hà Nội ở niên khóa 2022-2023 này, KTX chỉ đáp ứng khoảng 13% nhu cầu. Đại học Huế thời điểm năm 2020 quy mô 40.000 SV, tỷ lệ đáp ứng của KTX chỉ 6%. Năm nay, với quy mô hơn 50.000 SV, áp lực sẽ còn lớn hơn nữa. SV của các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh tình cảnh cũng tương tự. Hầu hết chỗ ở KTX trước nay chỉ dành để xem xét cho các đối tượng ưu tiên. Còn thì rất khó...

Cảm giác như các trường nghiêng nặng việc dạy, thu học phí, còn ăn ở thì cứ tùy nghi ngoài xã hội. Nhà có tiền thì tìm thuê chỗ có điều kiện hoặc mua hẳn căn hộ cho con lưu trú trong thời gian theo học. Dĩ nhiên số này rất hiếm, còn tuyệt đại bộ phận đều phải chấp nhận cho con em mình ăn ở trong những khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp; động viên con cố gắng vượt qua mấy năm đại học. Thực trạng đáng buồn ấy đã gây bức xúc trong không ít các bậc phụ huynh và các em SV. Nếu sòng phẳng, muốn thu nhận người học, các trường phải đáp ứng chỗ ăn ở cho SV của mình. Đằng này, như nắm được “đầu cán” là khát khao được theo học đại học, nên nhà trường chỉ quan tâm đến việc mở thêm ngành, mở thêm lớp, còn nhu cầu ăn ở của SV thì… từ từ tính (?!!)

KTX không chỉ mang lại lợi ích cho riêng SV mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong công tác quản lý. Nguồn chi tiêu từ hàng vạn, hàng chục vạn SV cũng đồng thời là nguồn thu, nguồn lợi kinh tế to lớn và lâu bền tại vùng đất và cơ sở mà họ theo học. Đầu tư cho KTX là đầu tư cho SV - nguồn nhân lực to lớn, quan trọng, chất lượng cao cho phát triển xã hội. Vậy tại sao sự đầu tư này quá sức nhiêu khê và chậm chạp? Một sự sốt ruột thật lòng, một chính sách ưu đãi về vốn, về quỹ đất, câu chuyện về KTX cho SV chắc chắn sẽ chuyển động và được toàn xã hội hoan nghênh.

Được biết, Đại học Huế và Ủy ban Quản lý HK (Hàn Quốc) vừa ký biên bản thỏa thuận xây dựng KTX cho SV trên hai khu đất có tổng diện tích gần 40.000m2 trong Khu quy hoạch ĐH Huế. Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đào tạo giáo dục đại học, trong đó có tiêu chí: “KTX SV và các công trình phục vụ sinh hoạt của SV đảm bảo theo quy định và đáp ứng điều kiện nội trú cho ít nhất 25% tổng quy mô đào tạo (hoặc tương đương 100% quy mô tuyển sinh năm thứ nhất)”. Đó phải chăng là những tín hiệu cho phép hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn, dễ chịu hơn đối với chuyện ăn học của sinh viên?

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Return to top