ClockThứ Tư, 30/10/2024 14:48

Kỳ vọng một luật sửa bốn luật liên quan đến đầu tư kinh doanh

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhằm giải quyết ngay những khó khắn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Quốc hội thảo luận các dự án Luật Đầu tư công, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)Những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu

Theo chương trình dự kiến, sáng 30/10, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (luật sửa đổi).

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì xây dựng luật sửa đổi, việc xây dựng một luật sửa bốn luật, nhằm giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về sửa đổi Luật Quy hoạch, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch như quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; làm rõ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xác định rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thứ bậc của hệ thống quy hoạch.

Cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch. Bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn trong điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu trong những trường hợp cấp bách và không thay đổi quan điểm, mục tiêu quy hoạch (như để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…).

Phân quyền cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch và quy định cụ thể sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Hoàn thiện, sửa đổi, chỉnh lý một số khái niệm, thuật ngữ và một số nội dung có tính chất kỹ thuật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

 Luật sửa đổi đã bổ sung quy định phân cấp, giao UBND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về sửa đổi Luật Đầu tư, dự thảo luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư về phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chip, công nghệ cao... đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Hoàn thiện quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch đô thị, chấm dứt hoạt động đối với dự án đầu tư không được triển khai thực hiện trong nhiều năm; bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Dự thảo luật này cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP; về cơ chế tài chính đối với dự án PPP; về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP; về việc xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, dự thảo luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu như cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù. Sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Ngoài ra, dự thảo luật này sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu...

Trong ngày 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, các luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh trình Quốc hội lần này sẽ giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư Nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài...

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sửa Luật Đầu tư công: Giảm thủ tục hành chính, tránh cơ chế "xin-cho"

Chính phủ cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công thể hiện sự phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”.

Sửa Luật Đầu tư công Giảm thủ tục hành chính, tránh cơ chế xin-cho
Return to top