Qua thông tin, dường như có những nghịch lý trong sản xuất và sử dụng nguồn điện năng ở Việt Nam. Năng lượng tái tạo là một xu hướng của thế giới. Việt Nam tuy mới khởi động trong một thời gian ngắn những cũng đã sản xuất ra rất nhiều điện tái tạo. Điện sản xuất ra những khó bán! Đây là chuyện lạ thứ nhất.
Chuyện là thứ hai là trong khi bảo vệ môi trường là xu hướng của thế giới và nhiều nước liệt vấn đề này vào lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Thừa Thiên Huế cũng hết sức ưu tiên lĩnh vực này. Dự án nào có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường là tỉnh “thẳng thừng” từ chối! Thế mà không ít tỉnh vẫn theo đuổi nhiệt điện!
Cũng cần nhắc lại điều này. Ở đất nước láng giềng chúng ta, qua một thời gian phát triển kinh tế thần kỳ, khi các dòng sông đen ngòm, không khí của thành phố đông dân nhất nhì thế giới khói bụi mù trời… họ mới “giật mình”. Nếu tính đủ các chi phí cho việc tái tạo môi trường và những ảnh hưởng khác, có khi GDP bằng không?
Tất nhiên, dường như mọi chính phủ đều có những đánh đổi nhất định trong các mục tiêu ngắn hạn. Vấn đề là sự đánh đổi này có quá giới hạn hay không mà thôi.
Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng chưa phải là đất nước giàu có, phát triển nhưng những quyền lợi vật chất cơ bản, phần lớn người dân được đảm bảo và ngày càng nâng cao. Giá trị môi trường sống từ chính phủ đến chính quyền các cấp, người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn. Một bộ phận người dân hiểu rằng, tiền rồi chúng ta sẽ làm ra khi điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng thay đổi, thuận lợi hơn cho làm ăn kinh tế… cho nên mục tiêu tăng trưởng đánh đổi môi trường là điều cần xem xét.
Thay đổi hành vi ứng xử với môi trường xuất phát từ nhận thức của người dân. Song điều không kém phần quan trọng là nó đi từ chính sách. Một ví dụ như thế này để thấy chính sách là hết sức quan trọng. Chính sách của chúng ta cho phát triển xe máy. Xe máy quan trọng cho một giai đoạn phát triển là giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Ở một khía cạnh nào đó nó tác động tạo ra công ăn việc làm, giúp kinh tế hộ gia đình phát triển. Nhưng mặt khác, nó “cột chặt” người dân vào thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Bây giờ nó trở thành vấn đề xã hội ở rất nhiều thành phố lớn. Nó là một trong những lực cản cho chủ trương phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Gần đây, chúng ta thấy một loại phương tiện khác có khả năng gây ô nhiễm môi trường ở một dạng khác là phương tiện xe đạp điện, xe máy điện. Hàng triệu học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước… sử dụng một lượng xe đạp điện rất lớn. Mỗi chiếc xe muốn chạy được phải sử dụng 4 bình ác qui điện. Cứ chừng 1,5 – 2 năm thay đổi một lần. Một lượng kim loại chì và dung dịch axit phải thải loại ra môi trường. Phương tiện ô tô cũng sử dụng ác qui, nhưng nó cần thiết cho nền kinh tế. Học sinh ở lứa tuổi trẻ khỏe, “bẻ gãy sừng trâu”, nếu di chuyển vài ba cây số để đến trường bằng xe đạp, chắc là càng khỏe mạnh hơn; nó làm cho môi trường trong sạch hơn. Điều này có nhiều cái lợi: sức khỏe, môi trường thiên nhiên, và, có khi là môi trường xã hội – cái đẹp, sức thẩm mỹ… Hơn nữa, xe đạp điện, xe máy điện phát triển lại thêm một đối tượng nữa làm tiêu tốn điện năng. Điều này, rõ ràng là do chính sách.
NGUYÊN LÊ