Rất nhiều du khách muốn trải nghiệm xích lô khi đến Huế
Chuyện xích lô Huế gắn động cơ điện thỉnh thoảng lại nghe rộ lên sự bàn vào tính ra. Người thì bảo sáng tạo, văn minh, giải phóng sức lao động; kẻ thì cho rằng mất an toàn, nguy hiểm cho người đi đường, nguy hiểm cả cho bác tài điều khiển lẫn hành khách ngồi trên đó; người am hiểu hơn nữa thì cho rằng việc xích lô gắn động cơ điện là không được phép, là vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm túc xử lý…
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của UBND tỉnh vừa qua, một phóng viên đã dẫn chứng về một vụ tai nạn liên quan xích lô gắn động cơ điện và muốn biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh với vấn đề này. Tại đó, cơ quan tham mưu là Sở Giao thông Vận tải đã dẫn các quy định của pháp luật, và khẳng định nếu chiếu theo luật thì hành vi trên là không được phép. Chủ trì cuộc họp hôm ấy là ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Khi “chốt” lại các câu trả lời, liên quan đến câu chuyện xích lô điện, ông khẳng định sẽ căn cứ thực tiễn tình hình để nghiên cứu và có giải pháp phù hợp. “Nếu chiếu quy định, bảo không được thì cấm! Như vậy thì quá đơn giản” - Ông Nguyễn Thanh Bình nhẹ nhàng. Tham dự cuộc họp hôm ấy, tôi rất tâm đắc với câu trả lời này. Đó là câu trả lời vừa “cương” vừa “nhu”, vừa rất có ý thức trong việc “quy chiếu” nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, nhưng vừa đảm bảo căn cứ thực tiễn cuộc sống để không quá cứng nhắc. Nó hết sức nhân văn.
Chuyện xích lô gắn động cơ điện, người điều khiển đôi lúc hứng chí chạy lút ga, thậm chí có cả tình trạng lạng lách, rủ nhau… đua tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho hành khách lẫn người đi đường là có thật. Tuy nhiên, số này chiếm tỷ lệ có lớn không, số vụ tai nạn đáng tiếc có nhiều không… Những “thông số” này với mọi người hiện đang còn chung chung, chưa cụ thể. Trong lúc, sự tiện dụng, giảm đi nỗi nhọc nhằn, vất vả cho người hành nghề xích lô, nhất là với những người đã lớn tuổi là điều rất hiện hữu. So sánh thì khập khiễng, song không thể vì ô tô gây tai nạn mà cấm ô tô; không thể vì một bộ phận thanh, thiếu niên hư hỏng đua xe máy, lạng lách đánh võng gây bức xúc, nguy hiểm cho xã hội mà cấm xe máy… Tất cả và trước hết đều phải từ ý thức của người sử dụng. Bởi vậy, trong lúc chờ giải pháp chính thức cho câu chuyện xích lô gắn động cơ điện, thì việc cần và có thể làm ngay là xây dựng, cụ thể hóa một số quy định trước mắt khi điều khiển phương tiện, đồng thời quán triệt, buộc các bác tài xích lô phải có ý thức chấp hành. Thứ nữa, nếu về mặt kỹ thuật mà khả thi, thì yêu cầu các cơ sở “chế tạo, lắp đặt” động cơ điện cho xích lô phải điều chỉnh, khống chế tốc độ vận hành đối với phương tiện xích lô khi chuyển đổi. Đó là 2 việc trước mắt có thể giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn trong lúc chờ giải pháp chính thức, hợp pháp từ cơ quan chức năng.
Nhân đây, chợt nhớ ý kiến được chia sẻ trên trang facebook cá nhân của nhà sử học Dương Trung Quốc khi ông đến Huế mới đây và được trải nghiệm sau hơn nửa thế kỷ nói không với xích lô. Nhà sử học cho biết, do mặc cảm với cảm giác “bóc lột sức lao động của người phu đạp xe khi ngồi xích lô” nên đã hơn nửa thế kỷ qua ông quyết định không đi xích lô nữa. Vừa rồi vô Huế, trú tại Khách sạn Morin. Ông định đến thăm một người bạn già cách đó không xa. Tính đi một cuốc taxi thì quá ngắn, lại không tiện vào ngõ hẹp, tìm một cái xe ôm, nhưng chưa thấy. Thì chợt thấy một chiếc xích lô đậu chờ khách bên những chiếc taxi ngay cổng khách sạn. Ánh mắt người đạp xích lô như mời chào nhưng ông đã vội quay đi vì cái mặc cảm như vừa nói ở trên.
“Người điều khiển chiếc xích lô màu xanh, nhỏ gọn và sạch sẽ nhìn và có vẻ nắm được suy nghĩ của tôi mà nhấn mạnh trong lời chào khách: "xe máy đấy chú ạ". Nghe vậy, tôi nhìn qua chiếc xe thì thấy in rất ngay ngắn tên của chủ nhân "Lê Viết Hùng" và dòng chữ "Nghiệp đoàn xe xích lô du lịch thành phố Huế", và dễ dàng nhận ra ở trục của bàn đạp và bánh sau có gắn thêm những cấu trúc các thiết bị sử dụng điện rất gọn và thanh mảnh. Có nghĩa là xe chạy bằng động cơ sạch, thân thiện với môi trường… Nó hoàn toàn không bề thế, công kềnh như xích lô máy mà tôi vẫn thường thấy ở Sài Gòn, nó vẫn là chiếc xích lô gọn gàng chỉ có điều không phải chạy bằng sức cơ bắp…
… Và tôi đã nhận lời làm khách của chiếc xích lô máy mà trên đường đi được người lái giải thích: "Đây là một phương tiện mới sử dụng năng lượng điện, nhưng vẫn đạp nhẹ nhàng theo quán tính và nhờ đó cũng tạo ra một nguồn điện bổ sung mà không hề tốn sức…". Chiếc xe lướt đi êm, không ồn ào khiến cho câu chuyện giữa khách và chủ xe không bị ảnh hưởng… Đúng là ngồi trên loại xích lô máy chạy điện này, với tốc độ vừa phải và người ngồi sau không phải vận sức để đạp, đó sẽ là những người hướng dẫn cho hành trình của mình không chỉ đi đến nơi mà còn nhận về nhiều điều thú vị khác nữa… Các bạn hãy đến Huế và hy vọng sẽ không chỉ Huế thưởng thức loại phương tiện du lịch truyền thống của thời đại mới… Có thể nhờ phương tiện này, xích lô không bị khai tử như Hà Nội vẫn rình dọa?!” - Xin phép nhà sử học được trích dẫn ý kiến của ông như một sự sẻ chia, đồng cảm với chúng tôi và với những ai vẫn có chút thiện cảm nghiêng về xích lô điện.
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG