Chưa tin vào con trẻ
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hiện đứng trước những khó khăn, thách thức. Các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao, nạn bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em... diễn biến phức tạp. Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh thường bận rộn với công việc mà đôi khi sao nhãng việc chăm sóc con, ít có thời gian lắng nghe con. Thế nên, chính các em bị áp đặt suy nghĩ nên không dám bày tỏ quan điểm của mình. Hay có trường hợp có cháu bé bị hàng xóm sàm sỡ nhưng người mẹ cho rằng, con trẻ kể không đầu, không cuối, sợ mất lòng hàng xóm nên không tìm hiểu thực hư. Đến khi mọi người phát hiện, người mẹ mới thảng thốt.
|
Trẻ thích thú xem tranh ngoài trời
|
Mới đây, khảo sát của tổ chức Codes cho thấy, khi các em đi bán hàng rong thường bị nhóm người lớn bạo lực, đánh đập. Trong số đó, chỉ có 28% các em kể lại với ba mẹ, bạn bè và những người lớn khác. Tuy nhiên, các em không nhận được sự an ủi, động viên, thậm chí nhiều người nghĩ các em đang nói dối. Anh Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội cho hay: Chúng tôi thực sự lo lắng khi nghe các em kể rằng, bố mẹ ít quan tâm đến các em, ngay cả lúc có em gái bị xâm hại tình dục, bị giang hồ trấn lột, đánh đập… Người mẹ biết chuyện nhưng cũng phớt lờ, không nghe hết câu chuyện con và bắt em phải tiếp tục đi bán hàng rong dẫu hiểm nguy rình rập.
Sẽ tổ chức nhiều diễn đàn dành cho trẻ
Trên thực tế, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” thực sự đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Diễn đàn đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, nhận được sự phối hợp từ các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh. Tuỳ theo vùng miền, những vấn đề mà các em trao đổi đều có sự khác biệt và gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt đặc thù của từng địa phương. Chính những điều các em nói ra là điều phản ánh trung thực nhất về hiện trạng thực thi quyền trẻ em.
Tại các diễn đàn do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức hàng năm, rất nhiều ý kiến của con trẻ khiên người lớn và các nhà quản lý phải suy ngẫm. Nhiều em mạnh dạn giãi bày những nỗi niềm, băn khoăn trong cuộc sống, như: Áp lực về học tập khi học ở trường, học ở nhà, ở lớp học thêm. Mơ ước về những sân chơi rộng lớn để mọi trẻ em đều có thể tham gia; phương pháp để các em tránh xa trò chơi điện tử, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm sinh lý; xoá bỏ tình trạng trẻ em phải bỏ học để lao động sớm, và không còn tái diễn cảnh các bạn nhỏ bị đuối nước đang xảy ra hàng ngày. Quan trọng hơn, các em đã bày tỏ: Chúng em rất mong cha mẹ, người lớn lắng nghe những điều chúng em muốn nói, tôn trọng chúng em. Chúng em muốn được người lớn hỏi ý kiến và được bày tỏ ý kiến của mình. Chính các ý kiến của các em là cơ sở quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho rằng, các hoạt động chính trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ rất thiết thực. Các cơ sở sẽ tổ chức diễn đàn, đối thoại, tạo điều kiện để trẻ em được nói ý kiến, nguyện vọng và những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, qua đó góp phần hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em. Sẽ có nhiều hoạt động hạn chế tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để xây dựng công trình phúc lợi, đặc biệt là trường học, nhà ở bán trú, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí.