Phổ biến Luật Bảo vệ trẻ em cho các em học sinh. Ảnh: ĐĂNG TRÌNH
Mới đây, có dịp ghé lên xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà), tôi được nghe kể về trường hợp kết hôn sớm tại thôn 4 của đôi vợ chồng quá trẻ, còn ở tuổi vị thành niên. Họ kết hôn năm 2021, khi đang học lớp 8 và hiện đã có con đầu lòng.
Chuyện trò với cán bộ thôn 4 và với bà Nguyễn Thị Viết, Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi được biết, so với trước đây, tình trạng lập gia đình sớm ở địa phương đã giảm nhưng vẫn còn và trên đây là một điển hình.
Bình Tiến không quá xa thành phố Huế, nhưng là địa phương lập kỷ lục khi có tới 8 dân tộc đang sinh sống. Nhiều nhất là người Kinh và người Pahy, tiếp đó là bà con các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Ca tu, Vân Kiều, Mường, người Rục. Họ là dân góp, có trường hợp lưu lạc từ Bắc vào như người Mường, hay Quảng Bình vô như người Rục.
Nhớ hôm chuyện với các chị em trong tổ hội phụ nữ thôn ở xã Bình Tiến về chuyện lập gia đình quá sớm, tôi giật mình khi một chị chỉ vào chiếc smartphone và nói: “Tội lỗi là ở chiếc điện thoại di động này”. Ý chị muốn nói là việc xem phim sex đang phổ biến lan tràn, không kiểm soát được trên các mạng xã hội. Thực tế, cùng với trình độ dân trí thấp, sự quản lý của chính quyền về nạn tảo hôn chưa mạnh, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu và cổ hủ, tác động của internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý của trẻ vị thành niên dẫn đến nạn tảo hôn.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định, cụ thể là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đến 18 tuổi. Thực tế ở Bình Tiến nói riêng và toàn tỉnh nói chung, tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học sớm, vô công rỗi nghề, nhận thức còn non kém… đã là “món mồi ngon” dễ bị cám dỗ bởi phim ảnh và các trò chơi có nội dung bạo lực và đồi trụy đã dẫn đến hệ lụy là tình trạng kết hôn khi chưa trưởng thành.
Không phải là “đặc sản” của riêng một vùng đất nào, nhưng nhiều địa bàn vùng dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế, bao gồm các huyện, thị: Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và Hương Trà - những điểm nóng của tình trạng tảo hôn. Với đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống đối với các địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao và còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2021, đã có nhiều hoạt động ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội LHPN cùng với Đoàn Thanh niên cấp xã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi truyền thông tư vấn tại cộng đồng và các hội nghị cung cấp thông tin, nói chuyện tuyên truyền về nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống.
Bà Nguyễn Thị Viết, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Tiến chia sẻ, một trong những hoạt động đáng ghi nhận của cấp hội cơ sở gần đây bên cạnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn là việc đưa vấn đề tảo hôn lồng ghép trong các sinh hoạt chi hội. Cấp hội phụ nữ là thành viên của câu lạc bộ hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em được thành lập từ năm 2021. Nhằm thực hiện ngăn ngừa từ xa, Hội LHPN xã đã làm nòng cốt trong việc vận động hạn chế tình trạng bỏ học hay tuyên truyền, đấu tranh giúp thanh, thiếu niên tránh xa các loại hình văn hóa có nội dung độc hại...
HUẾ THU