ClockThứ Ba, 10/12/2019 14:00

Lương hưu một lần nên là chuyện “cực chẳng đã”

TTH - Trong rất nhiều trường hợp, người lao động (NLĐ) vẫn cần nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Tuy nhiên, đó phải là chuyện “cực chẳng đã”. Tham gia BHXH suy cho cùng là để tuổi già được “an toàn” với cuốn sổ hưu.

Lĩnh BHXH một lần: Cảnh báo những bất an!Giao lưu trực tuyến: Nhận BHXH một lần hay nhận lương hưu?Lĩnh BHXH 1 lần có lợi hơn hưởng lương hưu hay không?Lĩnh lương “một cục”: Lợi hay thiệt?

Giao dịch ở BHXH TP. Huế về các chế độ chính sách BHXH

Xung quanh một tin đồn

Rộ lên thông tin gần đây, sau năm 2020, cơ quan BHXH ngừng chi trả BHXH một lần, gọi nôm na là lương hưu một lần, cho NLĐ. Đáng nói, thông tin này được hàng nghìn người chia sẻ trên mạng xã hội.

BHXH 1 lần là một trong những quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 60 Luật BHXH 2014. Cụ thể, NLĐ được nhận BHXH 1 lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (đối với nam) hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH (đối với nữ) mà không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho hay: Không có chuyện bãi bỏ hay cắt giảm quyền lợi của NLĐ. Tất cả những thông tin liên quan đến BHXH 1 lần vẫn không thay đổi. Do đó, hoàn toàn không có chuyện sau năm 2020, NLĐ sẽ không được lĩnh BHXH 1 lần như thông tin lan truyền thời gian qua.

Đáng suy ngẫm

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 7.000 người làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp một lần. Đa số NLĐ đều ở độ tuổi từ 35 - 40, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp phía Nam, thuộc ở các lĩnh vực: dệt may, da giày, thủy sản…

Chị Nguyễn Ngọc Tú, trú tại phường Thuận Thành (TP. Huế) làm việc ở Khu chế xuất Biên Hòa (Đồng Nai) mới chuyển về Huế cho biết: “Tôi muốn nghỉ việc sớm để ngoài bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), còn được lãnh BHXH một lần. Gom góp tất cả các khoản trợ cấp cũng có một số vốn để làm ăn". Hỏi chị có lo lắng cho tương lai khi không có lương hưu, chị cười: "Mưa lúc mô mát mặt lúc đó, nghĩ chi xa xôi". Cùng lý do ấy, dù đã làm việc trên 10 năm nhưng chị Trịnh Thị Ngọc, đang làm việc ở một doanh nghiệp tại Bình Dương, cũng quyết định nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần. "Nộp đơn nghỉ, tôi có được một khoản tiền kha khá để về quê làm ăn", chị Ngọc giải thích.

Còn nhiều lý do nữa dẫn đến lao động muốn nhận trợ cấp một lần. Xem ra, số đông NLĐ đã coi việc nhận trợ cấp một lần là cách để giải quyết khó khăn trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Trong thời đại công nghệ, tất cả doanh nghiệp muốn hướng đến tăng năng suất, chuyển đổi sang công nghệ tất yếu sẽ giảm đi lao động phổ thông. Trong khi, sức khoẻ của người lao động ở độ tuổi này không đảm bảo, năng lực, hiểu biết pháp luật hạn chế, không có tay nghề… Phía NLĐ cho rằng, cơ sở pháp lý, hệ thống BHXH hiện nay chưa linh động và mềm dẻo, chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn, khiến họ chưa có sự gắn bó với BHXH lâu dài. Bên cạnh đó, việc hưởng BHXH 1 lần lại rất dễ dàng.

Gặp tôi, chị Nguyễn Thị Kim, phường Phước Vĩnh (TP. Huế), làm công nhân sản xuất nhựa ở một DN tại TP. Huế cho biết, đã nhận “một cọc” được 25 triệu đồng tiền trợ cấp BHXH với bao dự định. Thế nhưng, không đành lòng dành dụm, chị dùng số tiền đó mua cho con chiếc xe máy cũ đi làm, sửa chữa tường rào và không quên sắm thêm đồ đạc trong nhà. Bao công sức bỏ ra trong những năm tháng thanh xuân để mong tích cóp lúc về già bỗng chốc bay… vèo. Chị Kim tiếc lắm, bảo giá như biết tính toán thì đã không đến nỗi. Chị đã làm lại từ đầu bằng cách đóng BHXH ở doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, ở độ tuổi của chị khó tìm được một việc làm ưng ý.

Lợi bất cập hại

BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc do thiếu hiểu biết đã bán, cầm cố và ủy quyền nhận BHXH 1 lần hoặc nhận trợ cấp BHXH 1 lần thay vì tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Điều này không những vi phạm pháp luật, mà còn khiến NLĐ hết sức thiệt thòi...

Ngay khi nhận BHXH 1 lần, NLĐ thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì một năm, tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng BHXH 1 lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương. Còn theo BHXH Thừa Thiên Huế, số tiền lao động nhận một lần không nhiều, những người làm việc từ 5 năm đến 10 năm cũng chỉ nhận mức trợ cấp BHXH tầm từ 25 đến 30 triệu đồng. Chi tiêu không đúng mục đích, họ mất đi cả chục năm làm việc, trong khi tối thiểu đóng BHXH 20 năm đã có lương hưu.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần tổng kết lại chính sách hưởng BHXH 1 lần để có biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cũng như cuộc sống sau này cho NLĐ. Theo ông Lợi, trong số 2,7 triệu người đăng ký hưởng BHXH 1 lần từ năm 2014 đến năm 2018, có tới 93% số người mới đóng BHXH được 10 năm đã rút ra khỏi hệ thống BHXH. Đặc biệt, trong số 93% đó, có tới 50% mới đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm.

Mở rộng diện bao phủ BHXH để tăng tỷ lệ người dân được hưởng lương hưu là mục tiêu quan trọng nhất của bất cứ quốc gia nào. Việc NLĐ nhận BHXH 1 lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề đáng quan ngại cho xã hội trong tương lai.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động
Return to top