ClockThứ Năm, 14/02/2019 07:15
KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17/2/1979-17/2/2019)

Mãi mãi tuổi xuân nơi biên cương

TTH - Trong chuyến hành trình tìm mộ của ba tôi (hy sinh ngày 17/2/1979 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ở tỉnh Lạng Sơn), tôi tình cờ gặp được đồng đội cũ của ông – người hiếm hoi còn sống sót trong trận đánh vô cùng ác liệt ấy…

Tính chính nghĩa của Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Tác giả viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Văn Quan (Lạng Sơn), nơi yên nghỉ của các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Sinh năm 1959, 18 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Việt Quốc gốc ở xã Phong Thu (Phong Điền) ngày ấy là một trong số những người con của quê hương Thừa Thiên Huế cùng với ba tôi ghi tên đăng ký nhập ngũ thời điểm tháng 11/1977.

Qua đợt huấn luyện 6 tháng tại Đồng Hới (Quảng Bình), tất cả được biên chế về đơn vị Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ở Xuân Mai – Hà Nội. Đến khoảng tháng 3/1978, đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12, trong đó có ba tôi cùng thanh niên Hoàng Việt Quốc và nhiều thanh niên ưu tú của vùng đất Hương Điền (gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà) được điều động lên đóng quân tại Đồng Đăng, thuộc tỉnh Lạng Sơn, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới từ cửa khẩu Tam Thanh đến cột mốc 25 bản Nà Bàn; đồng thời bảo vệ tuyến đường sắt từ Hữu Nghị quan đến thị trấn Đồng Đăng.

Cựu chiến binh (CCB) Hoàng Việt Quốc bồi hồi xúc động: “Pháo đài Đồng Đăng ở tỉnh Lạng Sơn, nơi đặt đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 là nơi lưu giữ tuổi thanh xuân của những người lính đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có anh Hải- là ba của cháu…”.

Trong niềm xúc động, CCB Hoàng Việt Quốc hồi tưởng: “Rạng sáng 17/2/1979 lịch sử ấy, toàn đơn vị lúc đó đang ngủ, địch bất ngờ trút cơn mưa đạn pháo và ồ ạt tấn công bằng xe tăng, bộ binh với lực lượng rất lớn vào biên giới của ta. Anh em trong đơn vị không kịp mặc quần áo, chỉ ôm súng chiến đấu. Ba của cháu (liệt sĩ Phạm Bá Hải) bám trụ, cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ doanh trại và đã anh dũng hy sinh”.

Đến trưa ngày 17/2, chiến sĩ Hoàng Việt Quốc bị thương nặng do trúng đạn xuyên qua phổi, đồng đội chỉ kịp băng bó và để nằm lại tại giao thông hào. Sau một ngày đêm bất tỉnh, người lính trẻ gượng sức lần tìm về doanh trại tiểu đoàn và may mắn được đồng đội kịp thời cứu sống, cáng về trạm phẫu tiền phương Bình Gia, trở thành người lính hiếm hoi của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) sống sót qua trận chiến ác liệt ấy.

CCB Hoàng Việt Quốc rưng rưng nhớ lại: Những ngày tháng ngắn ngủi ở pháo đài Đồng Đăng, chú và ba cháu cùng đồng đội có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Nỗi đau bắt đầu từ 5 giờ sáng 17/2/1979, khi bầu trời biên giới bỗng sáng lóa, những luồng sáng như tia chớp trước cơn giông. Một cơn mưa đạn pháo trút sang từ phía Bắc. Nửa phút sau nghe như một đàn ong khổng lồ bay qua, những tiếng ù ù từ nhỏ rồi to dần cuồn cuộn lên cao rồi xuống thấp. Từng đụn đất với khói bụi khổng lồ bốc lên kèm theo những tiếng nổ của đạn, bom.

Buổi sáng 17/2 hôm ấy, ba tôi và hai người bạn đồng niên cùng quê của người lính trẻ Hoàng Việt Quốc đã anh dũng ngã xuống và nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ biên cương, nơi trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía  Bắc– pháo đài Đồng Đăng.

Hồi tưởng về cuộc chiến ấy, nỗi canh cánh trong lòng của CCB Hoàng Việt Quốc cũng giống như nỗi lòng của thân nhân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên biên giới trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương, đó là đến nay hài cốt các anh vẫn chưa tìm được để đưa về với đất mẹ. Những người trấn giữ Đồng Đăng, những đồng đội của ba tôi, cùng hàng vạn thanh niên Việt Nam, những người cùng tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi nằm lại ở biên cương trong cuộc chiến vệ quốc ác liệt này.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tấn công của địch, quyết bảo vệ biên cương, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989).

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép

Chiều 16/9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới. Tham dự có đại diện Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự và các sở, ban ngành của tỉnh.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép
Bàn giao, tiếp nhận hồ sơ quản lý bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới

Ngày 16/7, tại trụ sở UBND huyện A Lưới diễn ra Lễ ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận hồ sơ quản lý bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới theo Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ giữa Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Quảng Trị.

Bàn giao, tiếp nhận hồ sơ quản lý bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới
Cuộc gặp mặt đầy xúc động

40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, buổi gặp mặt xúc động của thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu Chiến binh tỉnh tổ chức sáng 27/2. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đến dự.

Cuộc gặp mặt đầy xúc động
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3/3/1959-3/3/2019), 30 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2019)
Vận động quần chúng – nhân tố then chốt trong bảo vệ biên giới

Xác định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ trọng tâm, là nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên phòng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn quan tâm đến công tác này.

Vận động quần chúng – nhân tố then chốt trong bảo vệ biên giới
Return to top