ClockThứ Sáu, 30/09/2016 05:51

Mẫu hình đẹp từ SODI

TTH - Thông qua việc “nối cầu” từ Liên hiệp các hội hữu nghị tỉnh (HuePO), Tổ chức đoàn kết SODI (CHLB Đức) quan tâm hỗ trợ làm diện mạo vùng cát ở huyện Quảng Điền đổi thay.

Cán bộ dự án khảo sát địa hình xây dựng cầu đò tại xã Quảng Lợi

Xanh vùng cát Quảng Vinh

Quảng Vinh là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Nơi đây, có diện tích đất bị ảnh hưởng bom mìn khá lớn. Vào những năm 2008-2009, HuePO kêu gọi nguồn tài trợ từ SODI triển khai dự án rà phá bom mìn giải phóng gần 217 ha ở địa phương. Hoàn thành dự án rà phá bom mìn, HuePO tiếp tục tạo nối cầu giúp xã Quảng Vinh khai thác vùng đất đã hồi sinh thông qua “Phát triển cộng đồng trên vùng đất cát Rú Cát, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền”, do SODI và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức tài trợ hơn 1,3 tỷ đồng (dự án SODI Quảng Vinh).

Từ năm 2013, dự án SODI Quảng Vinh triển khai những mô hình sinh kế bền vững, thích nghi điều kiện của địa phương, trong đó có mô hình hỗ trợ chăn nuôi lợn rừng, nhím, đà điểu, trồng các loại rau, quả sạch. Ngoài ra, còn hỗ trợ nhiều hộ xây dựng hầm biogas với mức hỗ trợ tiền mặt 7,5 triệu đồng/hộ, góp phần giải quyết tốt về nhu cầu chất đốt cũng như môi trường từ chất thải trong chăn nuôi. Dự án còn giúp Hội Phụ nữ xã 300 triệu đồng để cho vay lãi suất ưu đãi trong 2 năm với mức 20 triệu đồng/hộ và tiếp tục xoay vòng trong tập thể để mở rộng, phát huy hiệu quả đồng vốn. Thông qua dự án, xã Quảng Vinh thành lập tổ hợp tác tự nguyện thúc đẩy kinh tế trang trại để cùng giúp nhau làm ăn, góp quỹ hỗ trợ mua con giống, thức ăn sản xuất chăn nuôi hiệu quả. Dự án còn tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật chăn nuôi, quản lý sử dụng đất, xây dựng quy hoạch trang trại cho cán bộ và người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh Hồ Tịnh Ân cho rằng, bà con địa phương, đặc biệt là những hộ vùng Rú Cát  tiếp cận dự án SODI, được hưởng lợi nhiều mặt. Việc nâng cao trình độ tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân thử nghiệm và lựa chọn những mô hình sinh kế hiệu quả, phù hợp với tiềm năng của vùng đất cát, cho đến hưởng lợi về cơ sở hạ tầng công cộng, vốn tín dụng… Đáng nói, ban đầu chỉ có vài hộ dân sinh sống ở  Rú Cát, đến nay dự án góp phần tạo nên một khu tái định cư với 40 hộ dân với cuộc sống ổn định; trong đó có một số hộ đã đi lên từ tay trắng.

Anh Hồ Tịnh Ân nói thêm, vùng Rú Cát ở Quảng Vinh hôm nay đã khởi sắc. Những “sa mạc trắng” của Quảng Vinh trước đây, giờ đã tỏa xanh trong tầm mắt với hàng chục ha rừng keo, hàng nghìn con lợn, hàng trăm ngàn con gia cầm mỗi lứa và các loại cây, con khác như: ném, đu đủ, sắn, lợn rừng, thỏ… đã, đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây.

Hiệu quả kép cho Quảng Lợi

Sau Quảng Vinh, SODI tiếp tục triển khai dự án “Hỗ trợ các cộng đồng phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu vùng phá Tam Giang” tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (gọi chung là dự án). Dự án triển khai từ năm 2015-2017, với tổng kinh phí 230.252 EURO, tương đương hơn 5 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng địa phương hơn 545 triệu đồng. Kết quả của dự án hướng đến là bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái trồng 1,42 ha rừng ngập mặn, xây dựng kênh mương, bến thuyền cá; tạo sinh tế cho người dân, như hỗ trợ nuôi cá lồng và xây dựng “nhà” cho cá trú ngụ ở đầm phá, phát triển các mô hình sản xuất chăn nuôi trồng trọt; trang cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ngư Mỹ Thạnh, tập huấn phát triển du lịch cộng đồng, chống biến đổi khí hậu và môi trường...

 Đến thời điểm này, dự án mới đi qua hơn nửa thời gian nhưng đạt thực hiện tốt theo kế hoạch đề ra từ ban đầu; trong đó những hợp phần chính như xây dựng hạ tầng dân sinh, như đường giao thông, cầu đò, kênh mương thủy lợi; hỗ trợ cải tiến mẫu mã sản phẩm cho HTX mây tre thôn Thủy Lập; trồng hơn 7ha rừng ngập mặn với hơn 20.000 cây bần và dừa nước đã hoàn thiện. Ông Hoàng Thế Vĩnh, Phó Ban Quản lý dự án cho biết, đây là một dự án nhận được sự hợp tác tích cực của chính quyền và người dân địa phương. Với một xã vùng thấp trũng như Quảng Lợi, những hoạt động của dự án đã góp phần không nhỏ giúp người dân có sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định cuộc sống mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi những hành vi, kỹ năng ứng phó biến đối khi hậu, bảo vệ môi trường ở địa phương.

“Với kết quả của dự án là cơ sở để chúng tôi tiếp tục vận động, đề xuất SODI khảo sát quan tâm cho nhiều địa phương khác trong thời gian đến”, ông Vĩnh nói.

Bài, ảnh: Bình Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Return to top