ClockThứ Ba, 06/09/2022 07:00
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH - 80 NĂM NGÀY MẤT TỔNG BÍ THƯ LÊ HỒNG PHONG

Một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng

TTH - Đồng chí Lê Hồng Phong (6/9/1902 – 6/9/1942) tên thật Lê Huy Doãn, sinh ra tại làng Đông, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo.

Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 1942)

Thuở nhỏ, Lê Huy Doãn theo học chữ Nho tại trường làng. Sau đó, ông chuyển sang học chữ quốc ngữ và thi đậu bằng Sơ học yếu lược. Năm 16 tuổi, sau khi người cha là cụ Lê Huy Quán qua đời, mẹ già đau yếu, không có điều kiện tiếp tục học tập, nên bỏ học đi làm thuê để mưu sinh và phụ giúp gia đình.

Hạt giống cách mạng

Trong khoảng thời gian từ năm 1920 - 1923, Lê Huy Doãn làm công trong một hiệu buôn của người Hoa ở Vinh, sau đó làm thợ tại Nhà máy diêm Bến Thủy. Thời gian này, Lê Huy Doãn kết bạn với Phạm Thành Khôi (Phạm Hồng Thái), hai người trở thành bạn bè, đồng chí thân thiết trên con đường cách mạng. Cuối năm 1923, công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy đình công phản đối chủ trừng phạt công nhân và đòi tăng lương. Do tích cực vận động công nhân đấu tranh phản đối chính sách hà khắc của giới chủ, nên Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn bị đuổi việc.

Đầu năm 1924, dưới sự hướng dẫn của Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu), Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn sang Thái Lan hoạt động cách mạng. Trong chuyến đi này, hai người tự nhủ: “Không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc”. Lê Huy Doãn đổi tên thành Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi thành Phạm Hồng Thái.

Một thời gian ở lại Thái Lan, hai người được lựa chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Tại Quảng Châu, tháng 4/1924, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào Tân Việt Thanh niên Đoàn (của Tâm Tâm xã). Ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát tên Toàn quyền Đông Dương Merlin đang ở Sa Diện. Lê Hồng Phong được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Việc không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự vẫn.

Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Tại đây, Lê Hồng Phong được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành hạt giống đỏ của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung. Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc chọn Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, là lực lượng nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên  (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Cuối năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Hàng không Quảng Châu. Nhờ nỗ lực học tập và rèn luyện, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thời gian này, cách mạng Đông Dương đang cần một nhà cách mạng chuyên nghiệp, nên Lê Hồng Phong được cử đi đào tạo lý luận dài hạn tại Trường đại học Phương Đông (1928 - 1931). Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong bộc lộ những phẩm chất ưu tú của người Cộng sản, được nhận xét “là một người cộng sản tích cực và có kỷ luật” và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.

Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế kiên trung

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng trong nước bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều tổ chức Đảng bị vỡ, nhiều đảng viên của Đảng bị bắt bớ, tù đày.

Trước những tổn thất của cách mạng Đông Dương, tháng 11/1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử Lê Hồng Phong về nước trên cương vị là cán bộ của Ban Chấp ủy Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để chỉ đạo khôi phục lại tổ chức Đảng, phong trào cách mạng ở Đông Dương.

Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong từ Liên Xô qua Pháp, Nam Kinh (Trung Quốc), rồi về Thái Lan để bắt liên lạc. Do cảnh sát Thái Lan tăng cường giám sát, nên từ Bangkok, đồng chí quay lại Hong Kong tìm con đường khác để về nước. Thời gian này, đồng chí được tiếp nhận vào học tại Trường đại học Quảng Châu nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và có điều kiện tìm hiểu tình hình cách mạng trong nước. Tháng 7/1933, đồng chí về Cao Bằng nắm tình hình, bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở vùng biên giới rồi trở lại Nam Ninh.

Tháng 3/1934, Lê Hồng Phong đến Ma Cao cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt bàn kế hoạch thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để thống nhất lãnh đạo các tổ chức Đảng, tiến tới tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài.

Tháng 6/1934, đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì hội nghị các đại biểu tổ chức Đảng từ trong nước sang họp với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tại cuộc họp  này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Trưởng đoàn cùng Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, được Đại hội bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực cho thành công của Đại hội.

Trong khi đoàn đang ở Moscow, tại Ma Cao, Đại hội I của Đảng diễn ra (cuối tháng 3/1935) và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 1/1936, đồng chí về Thượng Hải, đến 7/1936, triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bàn về công tác tổ chức Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Phong bàn giao cho đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư để về nước trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 3/1938, đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống hoạt động phá hoại của bọn Tờrốkít và các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, tả khuynh ở trong Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào trong nước.

Ngày 22/6/1939, đồng chí bị sa vào tay giặc và bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn kết án 6 tháng tù, 3 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ. Hết hạn tù, đồng chí được thả nhưng bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, áp giải về quê.

Đầu năm 1940, dù đang bị quản thúc tại quê nhà, Tòa án Pháp kết tội đồng chí “hoạt động lật đổ” và dẫn độ về Sài Gòn. Ngày 22/10/1940, Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án 5 năm tù, tước quyền công dân. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Đồng chí đã cùng các chiến sĩ Cộng sản trong tù tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Do sức tàn, lực kiệt, ngay trong ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình (6/9/1942), đồng chí trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Côn Đảo. Trước lúc hy sinh, đồng chí nhắn nhủ với các bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

MINH ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào 80 năm truyền thống vẻ vang

Quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Từ Nhân dân mà ra nên đội quân ấy luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành danh hiệu gần gũi và rất đỗi tự hào của quân đội ta. Sự tôn vinh của Nhân dân chính là sự tôn vinh thiêng liêng và cao quý nhất.

Tự hào 80 năm truyền thống vẻ vang
KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (2/12/1964 – 2/12/2024)
Mãi mãi là mốc son

Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài trong Đông Xuân 1964-1965, chiến thắng Bình Giã đã giúp quân và dân ta củng cố phương châm “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, tạo thế và lực vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân lịch sử 1975.

Mãi mãi là mốc son
Return to top