Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947). Ảnh: internet
Cương trực, khiêm tốn và được tin tưởng
Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp “vì nhiệm vụ quốc dân giao phó”, đàm phán và vận động một nền hòa bình và độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng trao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng trách nhiệm Quyền Chủ tịch nước với lời dặn dò nổi tiếng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” khi vận mệnh dân tộc đang gặp lúc nguy nan. Huỳnh Thúc Kháng đã xứng đáng với sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian làm Quyền Chủ tịch nước, Huỳnh Thúc Kháng đã có đóng góp rất lớn vào công việc của Chính phủ, giữ được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, khi Hồ Chí Minh đi vắng.
Cũng có người bày tỏ sự ngạc nhiên trước quyết định đó của Hồ Chủ tịch. Nhưng trong lôgíc của thực tế, với mối tương cảm giữa hai con người xuất chúng đó, điều này không có gì lạ. Những chi tiết nói lên tình cảm giữa hai người cả trước và sau khi Huỳnh Thúc Kháng nhận nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước đã nói lên điều đó. Huỳnh Thúc Kháng coi gặp được Hồ Chí Minh như gặp người tri kỷ. Trong bài “Thất thập tự thọ” mừng tuổi 70 của mình, Huỳnh Thúc Kháng còn viết:
“Bảy tuần đầu bạc như bông
Gặp người tri kỷ thôi xong đã già”
Huỳnh Thúc Kháng nói với một người bạn rằng: “Dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc”. Còn Hồ Chí Minh nhận xét về Huỳnh Thúc Kháng trong thư vĩnh biệt, viết ngày 29/4/1947 như sau: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.
Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” .
Huỳnh Thúc Kháng cương trực, khẳng khái, khiêm tốn. Khi được mời ra Hà Nội để tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huỳnh Thúc Kháng thổ lộ với Hồ Chí Minh rằng, đất nước cần có người kiến thiết, tăng gia mà ông lại là người không biết cày ruộng; đất nước đang cần người đánh giặc mà ông lại là người không biết cầm súng, cho nên tỏ ý không muốn nhận. Được Hồ Chí Minh thuyết phục, cụ mới nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Khi “tìm người tài đức” để chung tay xây dựng Chính phủ kháng chiến và kiến quốc, Hồ Chí Minh cần một người hiền tài như Huỳnh Thúc Kháng. Không chỉ là tình cảm mà điều quan trọng nhất, chủ yếu nhất là Hồ Chí Minh thấy được năng lực của Huỳnh Thúc Kháng.
Cuộc đời hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng nói lên điều đó.
Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đi thi hương và đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu), nổi tiếng ở Kinh thành Huế. Năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp lãnh đạo Phong trào Duy Tân. Vì những hoạt động đó, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt giam năm 1908, sau đó bị đày đi Côn Đảo 13 năm (từ năm 1908 đến năm 1921). Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong những năm hoạt động tại đây, Huỳnh Thúc Kháng kiên quyết đấu tranh với Pháp trên nghị trường. Nhân việc đấu tranh với Khâm sứ Pháp Jabouille, Huỳnh Thúc Kháng từ chức. Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng lập ra báo Tiếng Dân, làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo này ở Huế cho đến khi báo bị đình bản (năm 1943). Đây là một tờ báo đặc sắc mang đậm dấu ấn Huỳnh Thúc Kháng.
Người nói “Tiếng Dân” nổi tiếng
Báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm, Chủ bút được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12/2/1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần 2 kỳ. Đây là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung và duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Báo Tiếng Dân đã có một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung kỳ. Giải thích tên báo “Tiếng Dân”, Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng viết trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước”.
Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố khi làm báo là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. Quan điểm đó và những bài báo “mang tư tưởng chống đối” trên Tiếng Dân đã trở thành cái gai trong mắt thực dân Pháp ở Trung kỳ. Trong các báo cáo của mật thám Pháp tại Trung kỳ có nêu rõ “những báo chống đối ở Trung kỳ có tờ Tiếng Dân là báo đối lập hoạt động ngấm ngầm” .
Tiếng Dân mang đậm phong cách báo chí đặc sắc của Huỳnh Thúc Kháng - đưa tin, viết bài rất trung thực. Tin nào sai sót về nghiệp vụ báo chí thì sẵn sàng cho chỉnh sửa và đính chính, tin nào đã được điều tra kỹ lưỡng, xác đáng thì dù nhà cầm quyền có bắt ép không được đăng vẫn nhất quyết cho đăng.
Vì sự “nguy hiểm” của Tiếng Dân, đến năm 1943, thực dân Pháp buộc báo phải đình bản. Tiếng Dân ra số cuối cùng ngày 28/4/1943 để lại sự luyến tiếc sâu xa với bạn đọc. Sau này tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 7/1948) ở chiến khu Việt Bắc, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá 16 năm hoạt động sôi nổi hào khí của Tiếng Dân và chí khí của cụ Huỳnh Thúc Kháng bằng hình tượng sinh động Thét Tiếng Dân giữa Kinh thành Huế. Lớp huấn luyện cán bộ báo chí đầu tiên của cách mạng (khai giảng ngày 4/4/1949) mang tên Huỳnh Thúc Kháng vì những đóng góp và uy tín của ông với báo chí.
Cho đến phút cuối của cuộc đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nêu một tấm gương yêu nước kiên cường và tận tụy.
TS. Ngô Vương Anh