Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh: Tư liệu
“Hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”
Trong những năm đang tuổi thanh niên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo và sự đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp dù tự xưng là “văn minh”, “có sứ mệnh khai hoá cho người dân An Nam” qua những phiên toà buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ.
Ông cũng cảm nhận và cảm phục lý tưởng cách mạng, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của những người cộng sản. Con đường dẫn luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với Nhân dân, với cách mạng bắt đầu hình thành từ đó.
Ngày 16/10/1949, luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức trở thành người cộng sản. “Đó là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời cách mạng của đồng chí và cũng là một điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng Việt Nam” [1]. Kể từ đây, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Hữu Thọ tăng lên bội phần.
Trong những năm 50 của thế kỷ XX, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng các đồng chí của ông tích cực hoạt động cho cuộc kháng chiến của dân tộc giữa Sài Gòn còn đang tạm bị chiếm. Ông cùng các trí thức lớn ở Sài Gòn khi đó như Lưu Văn Lang, Trịnh Đình Thảo đi đưa tang Trần Văn Ơn, gây uy thế cho cuộc đấu tranh. Ông vận động các trí thức Sài Gòn ra bản “Tuyên ngôn đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với chính phủ kháng chiến để lập lại hoà bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do của Việt Nam”. Sau vụ này đồng bào thân mật gọi luật sư Nguyễn Hữu Thọ là “ông hòa bình”.
Chí khí cách mạng, trí thông minh, phẩm chất đạo đức là những nhân tố quan trọng, kết hợp tạo nên một luật sư Nguyễn Hữu Thọ giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Từ một trí thức có địa vị trong xã hội dưới chế độ thực dân đế quốc, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một lãnh tụ của quần chúng trong phong trào cách mạng. Đó chính là điều làm bè bạn, đồng bào, đồng chí kính trọng, làm kẻ thù kiêng nể, coi quá trình hoạt động của đồng chí như một “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” [2].
Một nhân cách đáng kính
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một ngọn cờ tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong những năm kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các trí thức, những tín đồ các tôn giáo, đồng bào Việt kiều sinh sống ở nhiều nước và toàn thể Nhân dân trong nước đã nhận thấy ở Nguyễn Hữu Thọ “một con người được Nhân dân yêu mến, được thế giới biết đến và trọng nể, còn kẻ thù lo sợ nhưng khâm phục... Con người rất bình dị, gần gũi, vui vẻ lạc quan, khi gần ai cũng thấy dễ chịu, chưa bao giờ nghe ông phiền toái ai cần đến vấn đề gì. Rất hiền hoà nhưng rất can đảm”[3].
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã vượt qua nhiều nguy hiểm, có lúc cận kề cái chết. Ông trải qua hơn 10 năm bị tù đày, an trí ở Khám Lớn (Sài Gòn), ở Lai Châu, Sơn Tây, Hải Phòng rồi Phú Yên. Ông có 13 năm sống và làm việc ở R (chiến khu) trong lòng Nhân dân vùng giải phóng.
Những đồng chí cùng hoạt động với luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong những ngày đấu tranh trực diện với kẻ thù ở Sài Gòn - Chợ Lớn, hoặc ở chiến khu, ở vùng giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hay ở cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất đều không quên “bác Ba Nghĩa kính yêu”, một con người tình nghĩa và thủy chung, “trong chiến thắng, anh không quên những người bạn cũ thời còn kháng chiến gian khổ... Lúc nào cũng sống có nghĩa có tình, chân thành và thủy chung” [4].
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sống trong tình cảm của Nhân dân với những từ thân thương “ông hoà bình”, “luật sư cách mạng”, “nhà yêu nước lớn”, “đồng chí Chủ tịch kính yêu”.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ còn làm tốt sứ mệnh đoàn kết quốc tế. Với uy tín và tài ứng xử trong những hoạt động đối ngoại, ông không chỉ làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh chung của Nhân dân thế giới cho độc lập dân tộc, cho hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc và tiến bộ xã hội. Những người bạn nước ngoài dù đã quen biết từ lâu hay những người mới gặp ông lần đầu trong các hội nghị quốc tế, trong các chuyến thăm hữu nghị các nước, đều nhận thấy ở Nguyễn Hữu Thọ “một chính khách giản dị, chính trực, tận tâm, khiêm tốn, và có thể nói một cách sâu sắc hơn, đây là một bậc chính nhân quân tử (honnête homme)” [5] như nhận xét của một sử gia người Pháp.
Nhân dân Việt Nam vẫn nhớ về luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một người con trung hiếu, một trí thức yêu nước đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân và cách mạng.
TS. Ngô Vương Anh
[1] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ,Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, tr. 15.
[2] Điếu văn do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tại lễ truy điệu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân - Sđd đã dẫn.
[3] Trần Văn Trà: Lịch sử và con người, trích từ “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với nước, tận hiếu với dân”, Sđd, tr. 217.
[4] Hoàng Xuân Thủy: Tình nghĩa và thủy chung, trích từ sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 412.
[5] Sac-lơ Phuôc-ni-ô (Charles Fourniau): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ một chính khách giản dị... trích từ sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr 380.