ClockThứ Năm, 09/11/2023 18:53

Mục tiêu tăng GDP 6,5% năm 2024 thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ

Chiều 9/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
 Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 

Tăng trưởng GDP 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. 

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong các chỉ tiêu được thông qua, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8-5,3%...

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu rõ một số quan điểm cho rằng bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước năm 2024 tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, khó đoán định, việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. 

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đặt ra mục tiêu tổng quát tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. 

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. 

Đặc biệt, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách. 

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, nghị quyết của Quốc hội đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Nghị quyết nêu rõ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường 

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội 

Đặc biệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khai thác hiệu quả cơ hội từ các quan hệ đối tác, Hiệp định thương mại tự do; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Nghị quyết của Quốc hội khẳng định cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Tuyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Thực hiện tốt tuyến tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi sai trái, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; thông tin phản hồi kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

Các chỉ tiêu chủ yếu 

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Theo Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Return to top